Ngành Ngân hàng 2019: Vươn lên trong khó khăn

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Ngành ngân hàng đã có một năm 2018 kinh doanh khởi sắc, dù tăng trưởng tín dụng có thể chậm hơn so với năm trước nhưng cũng không "làm khó" các nhà băng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cho cả năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn có lợi nhuận tăng trưởng đột biến..

Trong năm 2018 đã đánh dấu sự thành công của NHNN trong việc điều hành các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái. Nguồn: Interrnet
Trong năm 2018 đã đánh dấu sự thành công của NHNN trong việc điều hành các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái. Nguồn: Interrnet

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trong năm 2018 đã có tác động khá lớn đến thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam. Đồng tiền Việt Nam (VND) liên tục tăng giá so với đồng Nhân dân tệ (NDT) và mất giá so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ tháng 4/2018.

Tuy nhiên, sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã giúp ngành ngân hàng vượt qua được khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đặt ra.

Nhiều điểm sáng

Nhìn tổng quan báo cáo của các ngân hàng thương mại, nhận định của các công ty chứng khoán và đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) có thể thấy, ngành ngân hàng đã có một năm kinh doanh khởi sắc.

Theo báo cáo của NFSC, tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng năm 2018 tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2017. Lợi nhuận ước tăng trưởng 40%. Nhiều chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, với ROA ước đạt 0,9% và ROE ước đạt 13,6% (năm 2017 là 11,22%).

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện, đạt 11,1% nhờ vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tỷ lệ vốn cấp I/tổng tài sản có hệ số rủi ro là 8,8% (năm 2017 là 7,8%).

Đáng chú ý, dù tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng năm qua thấp hơn so với năm 2017, ước tăng trưởng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%), nhưng chất lượng tăng cao, tín dụng chủ yếu đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nhiều nhà băng vẫn đạt được lợi nhuận tăng đột biến như VIB, Eximbank, OCB, TPBank, Nam A Bank…

Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu cũng có chuyển biến tích cực, đó là việc có 6 ngân hàng đã công bố xóa sạch nợ tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bao gồm: Vietcombank, Techcombank, MBBank, VietinBank, ACB và VIB.

Đánh giá của NFSC cho biết, trong năm 2018, giá trị xử lý nợ xấu tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là các hình thức khác.

Ngoài ra, nhiệm vụ tăng vốn của ngành ngân hàng trong nhiều năm qua gặp khó khăn, nhưng trong năm 2018 ghi nhận hai nhà băng đạt CAR theo chuẩn Basel II trước thời hạn là năm 2020 là VIB và Vietcombank.

Đặc biệt, trong năm 2018 đã đánh dấu sự thành công của NHNN trong việc điều hành các chỉ số lãi suất, tỷ giá hối đoái.

Dù đồng tiền ở các nước trên thế giới mất giá mạnh, nhưng VND mất giá chưa quá 3% so với USD kể từ đầu năm, giúp ổn định mục tiêu lạm phát của Chính phủ. Cùng với đó, NHNN gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục khoảng 64 tỷ USD cũng giúp ổn định sự tăng trưởng của thị trường xuất nhập khẩu.

Năm 2019 vẫn khó lường

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành tiền tệ một cách linh hoạt như năm 2018. Những tác động cho năm 2019 có thể vẫn khó lường, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới… Ngoài ra, diễn biến đồng NDT cũng có thể gây khó khăn cho điều hành tỷ giá…

Ts. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá về tỷ giá USD/ VND trong năm nay, nếu thị trường quốc tế biến động không quá mạnh thì tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định như năm 2018 và NHNN đủ nguồn lực dồi dào để can thiệp thị trường khi cần thiết.

Nợ xấu trong năm 2019 cũng được giới phân tích đánh giá tăng không nhiều, đặc biệt là nợ xấu cũ sẽ tiếp tục giảm mạnh nhờ việc các ngân hàng đang rốt ráo xử lý.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng chất lượng tài sản tốt là lý do khiến tỷ lệ nợ xấu tăng trong 2019 chưa lớn. Đặc biệt, nhờ lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2018, ngân hàng sẽ gia tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trước đó.

Ở góc nhìn về tăng trưởng tín dụng, công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) nhận định, năm nay, NHNN tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tín dụng, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng không quá lớn. Dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng khoảng 20%.

Còn BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng trong 3 – 5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 – 2017 (trung bình 18,1%), nhưng vẫn đảm bảo đủ nguồn vốn cho nền kinh tế thực để hỗ trợ đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng có thể đạt tỷ lệ thu nhập lãi cận biên ở mức 3,2% bởi tỷ lệ chỉ số huy động/cho vay tại hầu hết các ngân hàng vẫn đang ở dưới mức quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và quyền thương lượng của ngân hàng vẫn tốt hơn so với khách hàng. Theo đó, các ngân hàng có thể thay đổi lãi suất đầu ra theo biến động lãi suất đầu vào, duy trì chênh lệch hợp lý.