Ngành ngân hàng trước cánh cửa CPTPP

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Mục tiêu của Chính phủ là sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài trước khi hết năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được khi Việt Nam tham gia ký kết hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng CPTPP là cơ hội lớn cho ngành ngân hàng Việt Nam “cất cánh”. Đặc biệt từ năm 2019, các ngân hàng nước ngoài có thể gia nhập hệ thống ngân hàng của Việt Nam và hoạt động tại đây, cùng với đó, ngân hàng Việt cũng có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị phần ra nước ngoài.

Sân chơi kinh doanh bình đẳng và mang tính chuyên nghiệp cao

CAN-VAN-LUC-1545-1548646737.jpg

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Việc tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để các ngân hàng Việt Nam mở rộng, phát triển thị trường ra nước ngoài; nhận được sự hỗ trợ về tư vấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài; được tham gia vào một sân chơi kinh doanh bình đẳng và mang tính chuyên nghiệp cao.

Bên cạnh những cơ hội, các ngân hàng Việt Nam cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức khi Việt Nam thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Theo đó, sự cạnh tranh của hệ thống ngân hàng ngày càng gay gắt; các ngân hàng thương mại trong nước phải đối mặt với xu hướng gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài; áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính ngân hàng chất lượng cao sang các tổ chức, ngân hàng nước ngoài…

Sẵn sàng chào đón CPTPP

pham-hong-hai-4830-1548646738.jpg

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

Giới ngân hàng luôn sẵn sàng chào đón CPTPP. Riêng Ngân hàng HSBC Việt Nam, với đặc điểm là ngân hàng toàn cầu hoạt động tại 3.900 văn phòng trên 67 quốc gia vùng lãnh thổ, HSBC hiện tiếp cận tới 90% dòng thương mại toàn cầu và xử lý hơn 1 triệu USD doanh thu thương mại mỗi phút. Chúng tôi chào đón những cơ hội đến cùng với CPTPP với việc có mặt tại 9/11 quốc gia thành viên của CPTPP.

Phải vượt nhiều thách thức

nguyen-minh-phong-6633-1548646738.jpg

TS. Nguyễn Minh Phong -  Chuyên gia kinh tế

Thực thi CPTPP cũng đặt ra thách thức từ những hạn chế của Việt Nam như: Thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dòng vốn lớn. Quy mô vốn của thị trường tiền tệ còn chưa tương xứng, nhất là quy mô vốn của hệ thống ngân hàng thương mại còn nhỏ. Quy mô thị trường bảo hiểm còn ở mức khá nhỏ, tỷ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên toàn thế giới.

Tồn tại tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ dễ dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng. Nợ xấu và xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập. Lòng tin vào quản trị và chất lượng dịch vụ hệ thống ngân hàng thương mại còn thấp. Mất cân đối về cấu trúc giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Mất cân đối giữa hoạt động tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; Mất cân đối giữa thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn. Bất hợp lý về cơ cấu giữa tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Trình độ thị trường còn ở mức thấp, ý thức tuân thủ luật pháp còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm chưa có tính răn đe cao.

Những tác động sâu của CPTPP đến nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và khả năng khai thác tính hai mặt trong quá trình triển khai hiệp định này của Việt Nam…

Khách hàng sẽ được hưởng lợi hơn

NGUYEN-TRI-HIEU-1736-1548646738.jpg

TS. Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài gia nhập hệ thống ngân hàng của Việt Nam và mang lại những lợi ích lớn không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà cho cả khách hàng.

Thứ nhất, Hiệp định CPTPP sẽ buộc các ngân hàng Việt Nam nâng cao chuẩn mực khi phải làm việc theo thông lệ quốc tế, ngành ngân hàng tại Việt Nam sẽ không còn tình trạng mất tiền như Eximbank hay tình trạng thu phí bừa bãi như các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, niềm tin của khách hàng vào các ngân hàng cũng sẽ gia tăng khi các ngân hàng nước ngoài làm việc rất bài bản, chuẩn mực, và luôn tôn trọng khách hàng.

Thứ hai, nếu ngân hàng nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, phí ngân hàng sẽ được cắt giảm, sẽ không còn phí mở tài khoản, phí in sao kê khi rút tiền ATM như hiện nay.