Nhiều nhà băng tiếp tục mua lại nợ xấu từ VAMC

Theo Thạch Bình/thoibaonganhang.vn

Tỷ lệ nợ xấu của các NHTM đến hết quý I/2019 giảm khá nhiều so với cách đây hai năm do ngân hàng đa dạng hóa các biện pháp thu hồi nợ.

Nguồn dự phòng và khả năng thu hồi nợ tốt khiến nhiều NHTM mạnh dạn trong các kế hoạch xử lý nợ xấu. Nguồn: internet
Nguồn dự phòng và khả năng thu hồi nợ tốt khiến nhiều NHTM mạnh dạn trong các kế hoạch xử lý nợ xấu. Nguồn: internet

Tại đại hội cổ đông thường niên các NHTM diễn ra trong tháng 4/2019, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch mua lại các khoản nợ xấu đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) những năm trước đây.

Theo đó, ngoài 6 NHTM đã mua lại toàn bộ nợ xấu ở công ty này như: Vietcombank, Techcombank, MB, OCB, VIB và ACB, các ngân hàng khác như: TPBank, Kienlongbank, VPBank, BIDV, Eximbank, SHB… cũng đã lần lượt công bố kế hoạch mua lại nợ, tất toán trái phiếu đặc biệt trong năm nay.

Áp lực từ cổ đông và kiểm toán

Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, đến cuối 2018 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD ở mức 1,89%. Trong khi lợi nhuận của các nhà băng bình quân tăng khoảng 44,5% so với cùng kỳ năm trước (theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - NFSC). Vì lẽ đó nhiều NHTM đã chủ động kế hoạch nhận về một phần hoặc toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC vì xét thấy khả năng có thể cân đối được tài chính mà không gây xáo trộn nhiều lên kết quả kinh doanh.

Theo thống kê của NFSC, đến cuối 2018, giá trị xử lý nợ xấu (không bao gồm các khoản nợ đã bán cho VAMC) của hệ thống TCTD đã tăng khoảng 30% so với năm 2017. Trong đó, hình thức thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2% và trích lập dự phòng rủi ro chiếm gần 60%. Điều này cho thấy, hoạt động tự xử lý nợ xấu ở các NHTM đang rất tích cực. Số dư trong các quỹ dự phòng và khả năng thu hồi nợ từ khách hàng khả quan vẫn đang cho phép các nhà băng mạnh dạn thanh lý nợ xấu mà không phải quá lo về lợi nhuận.

Tuy nhiên, nhìn vào các báo cáo tài chính của 24 NHTM công bố vào cuối 2018 cho thấy, áp lực xử lý nợ xấu vẫn rất lớn. Bởi đến thời điểm cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt mà 24 NHTM trong hệ thống đang nắm giữ của VAMC vẫn lên tới 126.700 tỷ đồng. Các NHTM vì liên tục phải trích lập 20% mệnh giá trái phiếu đặc biệt, mỗi năm vẫn đang phải để lại hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận để xử lý các khoản nợ xấu đã bán.

Chưa kể, đầu tháng 4 vừa qua Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng đã ký quyết định ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề thí điểm xử lý nợ xấu tại các TCTD theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Trong đó, 18 NHTMCP sẽ phải hoàn thiện các hồ sơ tài chính để đảm bảo quá trình kiểm toán diễn ra thuận lợi, chính xác và tháo gỡ được những điểm nghẽn thực tế của việc xử lý nợ xấu thời gian qua.

Nhiều kế hoạch mua lại nợ khả thi

Trước áp lực của cổ đông và để chuẩn bị cho quá trình kiểm toán, ghi nhận từ thị trường, hiện nay các NHTM như: BIDV, Eximbank, SHB, VPBank (nằm trong nhóm sẽ được kiểm toán chuyên đề năm nay) đã công bố kế hoạch hoàn thành mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2019.

Tại đại hội cổ đông diễn ra vào giữa tháng 4, BIDV thông báo đến cuối 2018, ngân hàng này chỉ còn khoảng hơn 14.100 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, con số này đã giảm 27% so với thời điểm đầu năm ngoái. Do vậy, việc mua lại các khoản nợ xấu còn lại tại VAMC trong năm nay là khả thi.

Ở phía các NHTMCP, VPBank, SHB và TPBank cũng tự tin cho rằng kế hoạch tất toán nợ xấu đã bán cho VAMC có thể thực hiện được. Cụ thể, hiện nay con số nợ của VPBank tại VAMC chỉ khoảng 3.160 tỷ đồng. Trong suốt năm 2018, nhà băng này đã xử lý 3,2 tỷ đồng nợ xấu nội bảng và trích hơn 30% lợi nhuận trước dự phòng để dành cho việc xử lý các khoản nợ xấu đã bán.

Theo VPBank, thời gian qua việc thu hồi nợ xấu liên quan đến trái phiếu đặc biệt VAMC cũng khá khả quan. Đến cuối 2018, số dư trái phiếu đặc biệt chưa trích lập tại đơn vị chỉ còn 2.400 tỷ đồng. Vì vậy kế hoạch tất toán toàn bộ số dư trái phiếu có thể sẽ được đơn vị thực hiện xong trong năm 2019 hoặc đầu năm sau.

Trong khi đó, tại SHB và TPBank tình hình cũng diễn ra tương tự. Theo SHB trong năm 2019, ngân hàng này sẽ thu hồi được khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng cho khoảng 2.200 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC. TPBank cũng thông báo, trong năm nay ngân hàng sẽ mua lại toàn bộ hoặc một phần trái phiếu đặc biệt VAMC.

Theo đó, tùy theo số vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế, TPBank sẽ xử lý tối thiểu khoảng 500 tỷ đồng các khoản nợ xấu đã bán. Đồng thời lên kế hoạch thành lập riêng công ty quản lý và khai thác tài sản TPBank AMC với số vốn điều lệ vào khoảng 50 tỷ đồng để tập trung mua lại nợ từ VAMC và xử lý các khoản nợ xấu nội bảng hiện hữu.

Như vậy có thể thấy, đến thời điểm hiện nay việc mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC của các NHTM đã rất lớn. Hiện một lượng lớn những khoản nợ bán cho VAMC giai đoạn 2013 đã được xử lý, thu hồi. Trong năm nay và năm sau sẽ còn nhiều khoản nợ xấu tại VAMC được các NHTM tất toán vì thời điểm 2020, các khoản nợ bán cho VAMC hầu hết sẽ được đáo hạn. Trong khi đó ngành Ngân hàng đang bước vào trong giai đoạn được giới phân tích đánh giá là có lợi nhuận cao và tỷ lệ nợ xấu nội bảng khá thấp, hoàn toàn có cơ hội cho nhiều kế hoạch xử lý dứt điểm nợ xấu tồn đọng.