Nửa đầu tháng 8, ngân hàng "chiếm sóng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo Quỳnh Dương/thitruongtaichinhtiente.vn

Nhóm ngân hàng vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nửa đầu tháng 8.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu của FiinPro cho thấy nửa đầu tháng 8 đã có 2.810 tỷ đồng TPDN được phát hành ở thị trường trong nước. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 1.500 tỷ đồng. Kế đến là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) 600 tỷ đồng.

Nửa đầu tháng 8, ngân hàng "chiếm sóng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1

Khối lượng TPDN chào bán và phát hành (nghìn tỷ đồng).

Công ty chứng khoán (CTCK) duy nhất huy động TPDN thành công trong nửa đầu tháng 8 là CTCK Rồng Việt (VDSC) với 300 tỷ đồng và không xuất hiện doanh nghiệp bất động sản nào.

Nửa đầu tháng 8, ngân hàng "chiếm sóng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 2

Các doanh nghiệp phát hành khối lượng TPDN trong tháng 8.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), trong nửa đầu tháng 8, tình hình phát hành có phần cải thiện hơn so với tháng 7, lượng phát hành thành công vẫn tập trung chủ yếu tại hai kỳ hạn chính 10 năm và 15 năm.

Trong số 14.000 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, có 11.000 tỷ đồng được huy động, tỷ lệ 79%. Đến thời điểm hiện tại, Kho bạc Nhà nước mới phát hành được hơn 89.000 tỷ đồng TPCP, mới chỉ đạt 22% kế hoạch năm 2022 là 400.000 tỷ đồng.

Nửa đầu tháng 8, ngân hàng "chiếm sóng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 3

Tình hình phát hành TPCP năm 2022 (tỷ đồng).

Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu tiếp tục tăng so với cuối tháng 7. Lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,72%/năm và 3%/năm, tăng 14 - 17 điểm cơ bản so với cuối tháng 7.

"Với việc chưa có áp lực phát hành để tài trợ các dự án đầu tư công, lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp được điều chỉnh khá chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư khiến cho tỷ lệ trúng thầu của TPCP vẫn khá thấp. Để đạt kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu của KBNN, lợi suất trúng thầu cần được đẩy cao hơn nữa", CTCK MBS nhận định.

Nửa đầu tháng 8, ngân hàng "chiếm sóng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 4

Giao dịch khối ngoại trên thị trường thứ cấp.

Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường TPCP thứ cấp tăng 7% so với tháng trước. Nửa đầu tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đà bán ròng 512 tỷ đồng TPCP. Cuối tháng 8, lợi suất kỳ hạn 10 năm đang ở mức 3,48%/năm, trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng lên 2,95%/năm, cả hai kỳ hạn đều tăng 2 điểm cơ bản so với cuối tháng trước.

Tính từ đầu năm, lợi suất kỳ hạn 2 năm đã tăng 218 điểm cơ bản trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm cũng tăng 133 điểm cơ bản. Giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp có phần sôi nổi hơn khi khối lượng giao dịch trong kỳ bình quân ngày đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước.

Trong đó, giao dịch outright chiếm 40% khối lượng trong kỳ với 28 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 2.500 tỷ đồng/ngày, giảm 34% so với bình quân tháng trước. Khối lượng giao dịch repos bình quân tăng 84% so với tháng 7, đạt 3.800 tỷ đồng/ngày.

Khối ngoại bán ròng 512 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Tổng cộng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 4.005 tỷ đồng TPCP trong năm 2022 và bán ròng 4.362 tỷ đồng TPCP trong 12 tháng gần nhất.