Phát triển dịch vụ Mobile money ở Việt Nam


Mobile money là hình thức thanh toán trực tuyến thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động nhằm cho phép người sử dụng thực hiện các giao dịch chuyển tiền, thanh toán mà không cần tài khoản ngân hàng. Đây là loại hình dịch vụ ngày càng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Mobile money mới được triển khai trong thời gian gần đây nên còn gặp những khó khăn, rào cản nhất định. Để phát triển dịch vụ này trong thời gian tới, cần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, đồng bộ môi trường pháp lý có liên quan, hoàn thiện quy trình giao dịch của các đơn vị cung cấp dịch vụ và tăng cường công tác quản lý nhà nước…

Khái quát về dịch vụ Mobile money

Mobile money là dịch vụ sử dụng định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động của nhà mạng cung cấp dịch vụ. Bản chất của Mobile money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền trong tài khoản theo tỷ lệ 1:1, khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền trong tài khoản Mobile money có giá trị tương đương.

Tài khoản Mobile money gắn liền với SIM thuê bao của thiết bị di động nhưng tách biệt với tài khoản viễn thông. Tuy nhiên, không phải cứ có SIM là có thể sử dụng Mobile money. Để sử dụng dịch vụ Mobile money, SIM thuê bao phải thuộc nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ Mobile money và người dùng phải đăng ký và được nhà mạng chấp thuận cho phép mới có thể sử dụng dịch vụ Mobile money.

Dịch vụ Mobile money giúp người dùng thực hiện chức năng chuyển tiền di động và thanh toán di động. Trong đó, với dịch vụ chuyển tiền di động, khách hàng có thể sử dụng tài khoản Mobile money định danh thông qua thuê bao điện thoại di động để chuyển tiền thông qua nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Với thanh toán di động, khách hàng thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ được thực hiện thông qua việc sử dụng tài khoản Mobile money.

Mobile money tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động cao. Theo Báo cáo Việt Nam Digital 2021, Việt Nam có trên 154 triệu thuê bao với dân số hơn 98 triệu người, độ phủ của viễn thông lên tới gần 100% khu vực dân cư. Đây là điều kiện tiềm năng để phát triển dịch vụ Mobile money. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật cho sự phát triển của dịch vụ này.

Do đó, ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money). Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile money tại một nhà mạng.

Phát triển dịch vụ Mobile money ở Việt Nam - Ảnh 1

Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng phải có SIM được đăng ký, các thông tin phải được đơn vị cung cấp dịch vụ di động xác thực theo quy định về đăng ký thuê bao di động và SIM đó phải hoạt động liên tục tối thiểu trong vòng 3 tháng. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile money, khách hàng có thể nạp hay rút tiền từ tài khoản Mobile money tại các điểm giao dịch của nhà mạng, sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị chấp nhận hình thức thanh toán này; chuyển tiền sang tài khoản Mobile money của người khác trong cùng một nhà mạng hay chuyển tiền sang tài khoản thanh toán tại ngân hàng và ví điện tử do nhà mạng cung cấp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 316/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-NHNN và Quyết định số 1820/QĐ-NHNN ngày 18/11/2021, cùng với Quyết định số 1916/QĐ-NHNN ngày 26/11/2021 chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile money cho 3 nhà mạng Mobifone, VNPT và Viettel.

Theo Báo cáo chuyên đề về đo lường hoạt động của người dân trên các nền tảng số Việt Nam quý I/2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, sau 3 tháng triển khai thí điểm, dịch vụ Mobile money đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt hơn 835.000 khách; trong đó, có 487.000 khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 58,3%. Số lượng tài khoản Mobile money đang hoạt động - có phát sinh ít nhất một giao dịch đạt 834.376 tài khoản, tương đương 99,8%.

Số lượng điểm kinh doanh dịch vụ Mobile money là 2.642 điểm, phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó có 537 điểm kinh doanh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số lượng đơn vị chấp nhận sử dụng tài khoản Mobile money để thanh toán là 11.254 đơn vị; và số lượng giao dịch đạt 7,5 triệu với giá trị lên tới 280 tỷ đồng.

Với số lượng điểm giao dịch rộng khắp của các nhà mạng di động, Mobile money cung cấp cho dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có mạng lưới hệ thống ngân hàng, cũng như cho đối tượng chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện.

Việc nạp và rút tiền từ tài khoản Mobile money tại các điểm giao dịch của nhà mạng cũng nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện như nạp tiền vào tài khoản viễn thông. Do không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, phát triển dịch vụ Mobile money góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cho mọi đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, Mobile money mở ra cơ hội cho các nhà mạng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, tăng doanh thu và đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, tiến tới, hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh. Trong bối cảnh triển khai thí điểm khi dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, dịch vụ Mobile money được nhận định đã tạo được niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ, đáp ứng một phần nhu cầu của thực tiễn và từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy Mobile money có rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, song quá trình phát triển dịch vụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đó là:

Thứ nhất, thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào hành vi của người tiêu dùng Việt Nam.

Vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, Mobile money là dịch vụ mới, do vậy, các quy định pháp lý còn chưa đầy đủ và đồng bộ, có thể tiềm ẩn những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tính ưu việt của Mobile money trên thế giới là người dùng chỉ cần duy nhất số điện thoại, họ có thể đến đại lý để rút tiền hay nạp tiền, không cần đến giấy tờ gì để thực hiện các khâu nạp - rút - thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Việt Nam, thì các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ đến những khách hàng có chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Quy định này làm giảm đi tính ưu việt của Mobile money.

Thứ ba, điều bất cập trong việc triển khai dịch vụ Mobile money là các nhà mạng phân biệt hoàn toàn tiền trong tài khoản điện thoại di động và tài khoản Mobile money. Khách hàng nạp/rút tiền mặt vào tài khoản Mobile money tại các điểm kinh doanh của nhà mạng; nạp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile money) tại ngân hàng; nạp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng từ ví điện tử của khách hàng. Đây cũng là vấn đề gây bất tiện cho khách hàng. Người dùng phải mất nhiều thao tác để chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản. Thêm một điểm nữa là các nhà mạng chỉ cho khách hàng nạp tiền tại đại lý hoặc qua tài khoản ngân hàng. Họ không cho khách hàng có thể tự nạp tiền thông qua thẻ nạp tiền điện thoại mà mình đã phát hành. Những yếu tố trên khiến ứng dụng Mobile money của các nhà mạng không khác gì các ứng dụng thanh toán khác. Thậm chí, việc sử dụng Mobile money còn phức tạp hơn so với các ứng dụng thanh toán phổ biến hiện nay.

Thứ tư, Mobile money đang đứng trước sự cạnh tranh của các ứng dụng thanh toán (ví điện tử) như Momo, ZaloPay, VnPay, Moca, AirPay... Những ứng dụng này đã xuất hiện từ lâu, họ đã có nhiều khách hàng, có nghiên cứu sâu về các phân khúc khách hàng cụ thể, họ hiểu thói quen, sở thích, các yếu tố mà khách hàng quan tâm. Các ứng dụng này đã tạo ra thói quen cho người dùng, có nhiều điểm chấp nhận thanh toán, xử lý được nhiều loại hóa đơn và liên kết với nhiều ngân hàng. Việc ra đời tương đối muộn khiến Mobile money khó bứt lên trước sự cạnh tranh của các ứng dụng đó. Chưa kể một số đơn vị còn liên kết với các siêu ứng dụng như Grab, Be... đang chiếm được một thị phần lớn những người quen sử dụng các siêu ứng dụng này.

Một số khuyến nghị nhằm phát triển dịch vụ Mobile money

Để phát triển dịch vụ Mobile money trong thời gian tới, cần chú trọng triển khai một số giải pháp gồm:
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng đến xây dựng một “sân chơi bình đẳng” trong tương lai cho các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ, qua đó khuyến khích sự hợp tác - cạnh tranh cùng có lợi giữa các chủ thể. Để giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý, Nhà nước nên quy định đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ về giới hạn cho tài khoản, tần suất giao dịch, khối lượng và số tiền được chuyển trong một khoảng thời gian nhất định, giám sát các luồng giao dịch để nó cảnh báo nhà cung cấp dịch vụ về các mẫu giao dịch đáng ngờ và có biện pháp xử lý kịp thời.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo thói quen cho người sử dụng. Để hình thành thói quen thanh toán mới, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để người dân thấy rõ lợi ích khi sử dụng dịch vụ Mobile money trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng.

Ba là, hoàn thiện hạ tầng cho các dịch vụ tài chính di động. Cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, làm chủ công nghệ, chú trọng đến sự tiện lợi, dễ sử dụng nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật, tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tích hợp, đồng bộ các tài khoản khác nhau để tạo thuận lợi người sử dụng sản phẩm.

Các nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile money cần làm chủ hệ thống xử lý giao dịch, trung tâm thanh toán; xây dựng quy trình, kịch bản ứng phó để kiểm soát, hạn chế các rủi ro hệ thống có thể làm gián đoạn hoặc ngừng giao dịch; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro...

Bốn là, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Cần thu hút, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia công nghệ, nhân tài am hiểu về công nghệ số và kiến thức về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Có chính sách liên kết, hợp tác đào tạo lâu dài với các quốc gia có kinh nghiệm về quản lý và phát triển công nghệ như: Singapore, Hong Kong, Indonesia… cũng như các quốc gia thành công về dịch vụ Mobile money như: Kenya, Uganda, Philippines...

Năm là, tăng cường sự hợp tác của các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ bao gồm các nhà mạng, các định chế tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ. Sự phối hợp này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, giảm giá thành, kích thích cầu tiêu dùng và tạo ra sự giám sát chặt chẽ giữa các bên, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ;
  2. Ngân hàng Nhà nước (2021), Quyết định số 1820/QĐ-NHNN ngày 18/11/2021 về việc chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ;
  3. Lê Thanh Tâm, Nguyễn Thị Thu Trang (2019), Phát triển dịch vụ Mobile money: cơ hội và thách thức tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 11 (2019);
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Báo cáo Đo lường hoạt động của người dân trên nền tảng số quý I/2022;
  5. Visa (2019), Báo cáo "Thái độ thanh toán của người tiêu dùng".

 

* TS. Lê Thanh Huyền - Trường Đại học Hòa Bình

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022