Phòng ngừa rủi ro tỷ giá để giảm thiểu tổn thất

Theo Nguyễn Vũ/thoibaonganhang.vn

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, xu hướng chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang có thể dẫn tới biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế, tác động nhất định tới tỷ giá của Việt Nam.

PV. Trong bối cảnh thị trường ngoại hối biến động như vậy, các doanh nghiệp (DN) xem xét các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như các giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap)… Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa nhiều DN quan tâm đến công cụ phòng ngừa rủi ro này. Vì sao vậy, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khi DN mua hợp đồng kỳ hạn, họ phải mua USD với giá cao hơn nhiều so với giá hiện tại. Khoảng chênh lệch giá USD giữa hiện tại và tương lai dựa trên chênh lệch về lãi suất giữa tiền đồng và USD. Hiện tại, như bạn biết lãi suất huy động USD bằng 0%, trong khi lãi suất của tiền đồng VND khá cao có thể lên đến 7-8%/năm ở các kỳ hạn dài.

Theo đó, chắc chắn giá USD mua theo kỳ hạn trong tương lai sẽ tương đối cao. Trong khi nhiều DN tin tưởng vào chính sách điều hành tỷ giá của NHNN sẽ duy trì sự ổn định, không để tỷ giá tăng mạnh, nhất là khi thanh khoản ngoại tệ lại đang tốt, nên các DN không muốn mua hợp đồng kỳ hạn phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Nhưng điều đó rất rủi ro cho các DN vì diễn biến tỷ giá có thể biến động rất mạnh. Chính vì thế đối với các DN làm ăn một cách bài bản thì nên mua hợp đồng kỳ hạn, chấp nhận chi phí cao nhưng lại được đảm bảo chắc chắn có một lượng tiền USD sẵn sàng bán cho DN khi cần phục vụ cho hoạt động kinh doanh. 

Hiện tại, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã đáp ứng được nhu cầu của DN chưa, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đối đầy đủ. Hiện tại có một số sản phẩm phổ biến mà các ngân hàng đang cung cấp cho DN là giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), giao ngay (spot)... Những sản phẩm này DN xuất nhập khẩu đều có thể sử dụng được nếu có nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo ông sắp tới, NHNN có ứng xử chính sách ra sao trước những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế?

Tôi nghĩ, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá rất tốt, dù đồng USD trên thị trường thế giới biến động khá mạnh, nhưng thị trường ngoại hối trong nước vẫn cơ bản ổn định, tỷ giá chỉ tăng dưới 1%. Tất nhiên, sự ổn định đó cũng được hỗ trợ từ thị trường. Chẳng hạn từ đầu năm đến nay nguồn cung ngoại tệ dồi dào do lượng vốn FDI giải ngân và lượng vốn đầu tư nước ngoài qua kênh gián tiếp tăng mạnh.

Có thể khẳng định, đến nay NHNN đã điều hành tỷ giá ổn định theo hướng thận trọng thông qua sử dụng hàng loạt các công cụ, bao gồm cả việc sử dụng dự trữ ngoại hối cũng như thông qua việc điều tiết thanh khoản tiền đồng, qua các công cụ lãi suất... Nếu NHNN tiếp tục linh hoạt, sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành, có thể duy trì ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên sắp tới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thế nào cũng rất khó đoán định. Trong điều kiện thị trường không có biến động mạnh, tôi nghĩ tỷ giá dao động trong mức 3%. Nhưng nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước này càng ngày càng căng thẳng, không thể nói trước được điều gì cả. Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ NHNN nên uyển chuyển hơn trong điều hành ổn định tỷ giá và cân nhắc cẩn trọng để tính toán mức tỷ giá hợp lý để hài hoà các mục tiêu, quan trọng nhất là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Xin cảm ơn ông!