Rủi ro hiện hữu từ lãi ảo

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Lãi ảo ở các ngân hàng đang tăng mạnh trong thời gian qua, có thể dẫn đến các hệ lụy như gia tăng nợ xấu, đe dọa lợi nhuận, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhà băng…

Lãi ảo ở các ngân hàng đang tăng mạnh. Nguồn: Internet
Lãi ảo ở các ngân hàng đang tăng mạnh. Nguồn: Internet

Khoản mục lãi dự thu (chưa thu được) của ngân hàng là một khoản mục khá quan trọng nhưng nhiều khi lại không thường xuyên được để ý đến hoặc lờ đi.

Khoản lãi này là nguồn thu lãi trong tương lai của ngân hàng nhưng lại được đưa vào lợi nhuận hiện tại. Theo các chuyên gia, đây được coi là lãi ảo trong báo cáo tài chính, dẫn tới số liệu tăng trưởng ảo ở các ngân hàng.

Lãi ảo tăng mạnh

Tổng hợp báo cáo tài chính năm 2018, có thể "khoanh vùng" một số nhà băng có lãi dự thu tăng "chóng mặt". Đáng chú ý, ba "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ vị trí top những ngân hàng có lãi dự thu cao nhất.

Đứng đầu là BIDV có số dư lãi, phí dự thu cao nhất với 11.897 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm 2017; Vietcombank với 7.410 tỷ đồng, tăng 23%. Năm 2018, dù VietinBank là ngân hàng đứng đầu về việc giảm lãi dự thu (52%) từ 14.524 tỷ đồng xuống còn 6.905 tỷ đồng, nhưng vẫn đứng thứ ba trong hệ thống ngân hàng.

Xếp ngay phía dưới là các ngân hàng TMCP như Techcombank (48%), Sacombank (33,2%), l i e n v i e t p o s t b a n k (29,7%), MB (20,7%)…

Giới chuyên gia cho biết, trong số các khoản lãi dự thu của ngân hàng hiện nay, một tỷ lệ lớn đã thành khoản nợ xấu không còn khả năng thu được, theo quy định phải đưa vào phần nợ xấu để thực hiện trích dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn chưa thoái khoản này.

Quy mô lãi ảo càng tăng thì nguy cơ nợ xấu càng lớn và đe dọa lợi nhuận nhà băng. Nếu như khoản dự thu này thực sự không thu được sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của ngân hàng.

Ngoài ra, việc ghi nhận lãi ảo từ lãi dự thu có thể dẫn đến các hệ lụy liên quan đến việc chia cổ tức và nộp thuế cho Nhà nước.

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia đã đề xuất Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện đánh giá, xem xét lại thực trạng của việc ghi nhận lãi dự thu hiện nay. Đồng thời, đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo phản ánh đúng thực tế thu nhập thực sự của ngân hàng, đảm bảo nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu của nhà băng.

Mới đây, NHNN đã có văn bản 1968 yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 và Chỉ thị 05 về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Đốc thúc thoái lãi dự thu

Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi, thực hiện thoái các khoản thu lãi dự thu theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN.

Một chuyên gia đánh giá, Thống đốc NHNN đã đưa ra yêu cầu kiểm soát đến lãi phải thu, nên các tổ chức tín dụng cần nhìn nhận lại thực trạng này và tính toán phương án xử lý.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN cũng cần quan tâm đến vấn đề lãi dự thu để nhắc nhở kịp thời từng tổ chức tín dụng , tránh tình trạng lãi cũ chưa thoái lại phát sinh thêm lãi mới, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng nói riêng và cả hệ thống nói chung.

Tuy nhiên, dưới góc độ của các ngân hàng, vị chuyên gia này cũng nhìn nhận việc thoái lãi dự thu sẽ còn cần nhiều thời gian và có lộ trình, vì nếu làm ngay sẽ ảnh hưởng đến chỉ số lợi nhuận.

Thời gian qua, mới chỉ có VietinBank "cắn răng" cắt đứt "cục máu đông", thoái khoảng 7.500 tỷ đồng lãi dự thu, đồng nghĩa với việc chấp nhận để nợ xấu tăng mạnh (do chuyển nhóm nợ) lên 50% trong năm 2018 và cùng với đó là lợi nhuận giảm mạnh.

Tính đến hết năm 2018, lãi phải thu của VietinBank co về còn hơn 6.900 tỷ đồng, tương đương 0,59% tổng tài sản – tỷ lệ thấp nhất hệ thống, còn hơn cả ngân hàng được đánh giá "khỏe" nhất là Vietcombank (0,69%).

Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ từng chia sẻ nguyên nhân lợi nhuận giảm so với năm 2017 là do tái cơ cấu hướng tới việc áp dụng Basel II, ngân hàng đã chủ động điều chỉnh, đánh giá phân loại nợ làm ảnh hưởng đến kết quả về lợi nhuận.

Như vậy có thể thấy, VietinBank đang có hướng đi mới, sẵn sàng lùi lại một bước để củng cố nền tảng, trước khi trở lại "đường đua" trong thời gian tới.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dám đương đầu với sự thật, chấp nhận. Thực tế, có không ít ngân hàng dù biết không thu được nhưng vẫn không thoái để không bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, "làm đẹp" sổ sách.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là cần làm rõ lãi dự thu của từng ngân hàng (xét trên thực tế tình trạng tài chính của các ngân hàng) để có lộ trình thoái lãi dự thu phù hợp và không nên có một quy định áp dụng chung.