"Sóng ngầm" tín dụng tiêu dùng

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Thị trường tín dụng tiêu dùng dần "nóng" lên khi các ngân hàng mạnh tay cho vay với lãi suất ưu đãi để phục vụ cho những mục tiêu lớn như mua nhà đất, mua nhà dự án hay mua ô tô.

Nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Nguồn: Internet
Nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Nguồn: Internet

Nếu như 5 năm trước, số ngân hàng có dịch vụ cho vay mua xe ô tô, mua nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến năm 2019, gần như tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều có thêm dịch vụ này.

Thậm chí, các ngân hàng ngoại giờ đây cũng nắm bắt xu hướng và nhập cuộc một cách hứng khởi hơn bằng các gói tín dụng rất cạnh tranh, điều đó đã tạo nên những "con sóng ngầm" tranh giành thị phần ngày càng gay gắt.

Nhiều ưu đãi

Sau Tết là thời điểm các ngân hàng đẩy mạnh chiến dịch kinh doanh của mình, trong đó mảng tín dụng tiêu dùng được quan tâm đặc biệt, bởi thời gian qua, lĩnh vực này đã mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều nhà băng.

Khảo sát thị trường có thể thấy, xu hướng vay tiêu dùng mua nhà, ô tô chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Nắm bắt nhu cầu này, các ngân hàng đã xây dựng những chương trình khuyến mãi, với nhiều gói vay, lãi suất ưu đãi được tung ra để cạnh tranh thu hút khách hàng.

Điểm chung của các ngân hàng là quy trình xét duyệt cho vay, thủ tục hồ sơ được đơn giản hóa và nhanh chóng hơn trước. Nhiều ngân hàng có thể cho vay tối đa lên tới 100% giá tài sản, thời gian vay mua ô tô tối đa lên đến 8 năm, vay mua nhà lên đến 20 năm và cam kết duyệt cho vay "tốc độ" chỉ trong vòng 8-24 giờ kể từ lúc nhận hồ sơ.

Do đó, để lôi kéo khách hàng, nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất đầy cạnh tranh. Đối với gói lãi suất vay mua ô tô, theo thống kê, mỗi ngân hàng có những gói vay vốn khác nhau, khách hàng sẽ được ưu đãi lãi suất trong thời gian đầu dao động 6,8% – 9% tùy theo thời gian vay (6 tháng, 12 tháng, trên 24 tháng…). Lãi suất kỳ tiếp theo, một số ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng với biên độ lãi suất 2,8% – 4,5%/năm.

Chẳng hạn, TPBank hỗ trợ khách hàng mua xe ô tô không giới hạn hạn mức vay tối đa với thời gian vay lên tới 72 tháng và lãi suất cố định từ 6,8% áp dụng trong 6 tháng đầu hoặc cũng có thể chọn gói lãi suất 7,7% /năm cố định trong 18 tháng đầu. Phê duyệt nhanh chỉ trong 8 giờ làm việc; trả khoản vay linh hoạt bằng trả góp gốc và lãi hàng tháng.

Trong khi đó, Techcombank đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 7,49%/năm, hỗ trợ tối đa 100% giá trị xe và cam kết ra thông báo tín dụng chậm nhất 48h kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ khách hàng.

Với gói lãi suất cho vay mua nhà, Techcombank hỗ trợ tới 70% giá trị bất động sản với thời gian trả góp lên tới 25 năm, lãi suất từ 7,49%/năm, giá trị cho vay lên tới 10 tỷ đồng. TPBank áp dụng lãi suất vay chỉ 6,8%/năm, cố định trong 6 tháng đầu cùng thủ tục nhanh gọn trong vòng 24h, thời gian vay 25 năm.

Cần kiểm soát rủi ro

Theo các chuyên gia ngành tài chính, sở dĩ các ngân hàng đang đẩy mạnh phân khúc cho vay tiêu dùng, đặc biệt là vay mua xe và mua nhà vì đây là hình thức cho vay đã có tài sản đảm bảo, giá trị xe rõ ràng, giúp các ngân hàng mở rộng thị phần, phát triển kênh tín dụng tiêu dùng. Trên thực tế, kênh cho vay này cũng đang đóng góp rất lớn vào tổng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2018 vừa qua.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cho vay tiêu dùng mua nhà và ô tô là những gói vay dài hạn, nếu cho vay với tỷ lệ cao sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản.

Cho vay mua nhà thông qua tín dụng tiêu dùng nhưng thực chất các ngân hàng vẫn phải dùng nguồn vốn trung và dài hạn (thời gian vay 5 - 25 năm), trong khi tâm lý người dân Việt Nam gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng lại có thời hạn rất ngắn (khoảng 1 - 2 năm).

Vì vậy, theo ông Hiếu, việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng cũng cần được kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro. "Việc tín dụng bất động sản tiêu dùng có rủi ro hay không là tùy thuộc vào việc xác minh của ngân hàng đối với khách hàng khi vay (nguồn trả nợ, thu nhập của khách hàng)… Hiện, mỗi ngân hàng có một chính sách thẩm định tín dụng riêng và tùy vào mức độ rủi ro", ông Hiếu chia sẻ.

Các ngân hàng cho biết, với đa phần các gói vay mua nhà và mua ô tô, khách hàng phải dùng chính tài sản vay để làm tài sản đảm bảo kèm theo những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng với cho vay, tài sản đảm bảo không phải là yêu cầu đầu tiên. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có xếp hạng tín dụng cá nhân, vì thế việc tăng hệ số rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản cũng cần có sự phân định rõ ràng các loại hình cho vay trong lĩnh vực này.