Tăng trưởng tín dụng xanh có nhiều dư địa phát triển

Theo H.Chung/TTXVN

Tăng trưởng tín dụng xanh là một xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại. Thậm chí, xu thế này còn phát triển mạnh mẽ và tốt hơn trong thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng xanh có nhiều dư địa phát triển.
Tăng trưởng tín dụng xanh có nhiều dư địa phát triển.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, tín dụng xanh trở thành xu hướng đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững. Xu hướng này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Giữa tháng 1/2020, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ký kết hợp đồng cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín. Đây là giao dịch vay hợp vốn xanh đầu tiên, mở ra cơ hội tiên phong trong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về cho vay xanh tại Việt Nam.

Theo đại diện VPBank, một phần ba gói tài chính này sẽ được dành riêng cho các dự án thân thiện với khí hậu. Điều này sẽ tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, nhất là doanh nghiệp có dự án phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng năng lượng hiệu quả, xây dựng các tòa nhà xanh, giao thông xanh, xử lý và quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Ngoài việc nhận được khoản tài trợ, VPBank cũng nhận được tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia IFC trong việc xây dựng khung chính sách về tín dụng xanh và công cụ tài chính bền vững, thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý và báo cáo về tình trạng sử dụng vốn cho các dự án xanh và sẽ được chứng nhận bởi một tổ chức quốc tế uy tín.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, việc mở rộng thị trường tín dụng xanh có vai trò hết sức quan trọng để giúp Việt Nam chuyển sang mô hình tăng trưởng các bon thấp và giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Việc hỗ trợ của IFC sẽ giúp VPBank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng một bộ tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về tín dụng xanh, gửi tín hiệu tích cực đến thị trường cũng như cho các nhà đầu tư quốc tế.

Theo ước tính của IFC, tổng tiềm năng tổng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam đến năm 2030 có thể đạt khoảng 753 tỷ USD. Trong số này, các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện xanh) có nhu cầu đầu tư khoảng 140 tỷ USD. Do đó, các ngân hàng thương mại được cho là còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng tín dụng vào các công trình, dự án xanh hỗ trợ hóa nền kinh tế.

Trên thực tế, xu hướng tín dụng xanh đã được nhiều ngân hàng tập trung phát triển trong vài năm gần đây. Tất nhiên khi cho vay, các ngân hàng vẫn phải lựa chọn khoản vay, khách hàng nhằm đảm bảo tuân thủ những điều kiện và tiêu chuẩn chung, tuy nhiên cho vay dự án xanh thường ít rủi ro hơn và mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững nên được các ngân hàng lựa chọn như một thị trường ngách đầy tiềm năng.

Ngoài những ngân hàng truyền thống như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… đã có những thành tựu nhất định trong tăng trưởng tín dụng xanh, thì nay phải kể đến những cái tên như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A bank), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A bank). Đây cũng là 3 ngân hàng thương mại đã nhận được Giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh năm 2019 do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Vietnam phối hợp với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức trao giải tại Tp. Hồ Chí Minh cuối tháng 11/2019.

Đơn cử như: tại HDbank, nếu như năm 2018, ngân hàng này chỉ tài trợ cho 22 dự án tiết kiệm năng lượng, đầu tư năng lượng tái tạo… với dư nợ hơn 1.800 tỷ, chiếm 1,62 tổng dư nợ thì đến cuối tháng 9/2019, con số này đã lên đến 82 dự án tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 7.900 tỷ đồng, chiếm hơn 6% tổng dư nợ.

Tại Nam A Bank, đây là ngân hàng không vốn nhà nước đầu tiên ký kết hợp tác với GCPF - Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu triển khai chương trình “Tín dụng xanh”, cho vay vốn thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm. Hoạt động này nằm trong dự án cộng đồng “Tôi chọn sống xanh” mà Nam A Bank đã và đang triển khai trong năm 2019, với nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.

Theo đại diện Nam A Bank, mục tiêu của dự án là tuyên truyền đến cộng đồng xu hướng lựa chọn sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng… nhằm chung tay xây dựng một môi trường xanh, một xã hội bền vững. Bên cạnh đó, Ngân hàng này cũng đang tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm mới nhằm tăng tính đa dạng để phục vụ các nhu cầu tín dụng xanh của khách hàng.

Đánh giá về xu hướng tín dụng xanh hiện nay, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng tín dụng xanh là một xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại. Thậm chí, xu thế này còn phát triển mạnh mẽ và tốt hơn trong thời gian tới, do Việt Nam đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, tình hình triển khai tín dụng xanh, tài chính xanh tại Việt Nam có nhiều tích cực, nhiều dự án xanh đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Tuy vậy, việc triển khai vẫn còn hơi chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng.

Đến năm 2014, Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, đến nay đã sau 5 năm triển khai kế hoạch, vẫn chưa có đánh giá rà soát cụ thể, để xây dựng bước đi tiếp theo cho giai đoạn sắp tới 2021-2030.

Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.

Theo đó, để đảm bảo mục tiêu này và phát triển bền vững xu hướng tín dụng xanh, các chuyên gia cho rằng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực đến từ 3 phía, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các cơ quan chức năng sớm rà soát lại mục tiêu tăng trưởng xanh để hoàn thiện thể chế, chính sách tốt. Đồng thời, tạo ra cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức tham gia, nhất là sự tham gia của các định chế tài chính, doanh nghiệp, người dân ở mức độ trách nhiệm và hiệu quả hơn.