Thanh khoản "nóng" những ngày cận Tết

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh

Sau thời gian dài, lãi suất VND bắt đầu tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng, đây là dấu hiệu cho thấy thanh khoản ngân hàng bắt đầu "nóng" trở lại vào dịp cận Tết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay yếu tố vụ mùa được thể hiện chậm hơn với những năm trước. Trước Tết Nguyên đán hơn 1 tuần, lãi suất VND tại thị trường liên ngân hàng đã tăng gấp đôi. 

Lãi suất tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng

Thông thường vào thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 1 - 2 tháng tỷ giá USD/VND giảm mạnh do cung ngoại tệ lớn chuyển đổi lấy VND đáp ứng nhu cầu thanh toán mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, nhu cầu VND cao sẽ đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao.

Tuy nhiên, năm nay, xu hướng này diễn ra chậm hơn rất nhiều, bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến nhu cầu vốn giảm, từ đó lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm. Hiện lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức đáy trong nhiều tháng qua.

Thời điểm này, khi Tết Nguyên đán chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến thì thanh khoản trên thị trường bắt đầu “nóng” trở lại. Biểu hiện rõ nét nhất là việc lãi suất VND đã tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng vào cuối tuần qua.

Cụ thể, theo ghi nhận từ thành viên tham gia thị trường, trong tuần từ 25/01 - 29/01, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 29/01, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm 0,33% (tăng 0,17 điểm phần trăm (đpt) so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 0,52% (tăng 0,32 đpt); 2 tuần 0,68% (tăng 0,40 đpt); 1 tháng 0,84% (tăng 0,38 đpt).

Như vậy, với các mức mới nói trên, lãi suất VND đã tăng khoảng gấp đôi trên thị trường liên ngân hàng. Điển hình như lãi suất VND qua đêm trước đó (loại tập trung khối lượng giao dịch lớn nhất) chỉ xoay quanh 0,17%/năm. Hoặc trong năm 2020 từng kéo dài quãng ổn định quanh 0,15%/năm, thậm chí chỉ 0,1%/năm hồi quý 3/2020.

Ngược lại, lãi suất USD liên ngân hàng tuần qua tiếp tục ít biến động. Chốt tuần 29/01, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa qua đêm với 0,14% (giảm 0,01 đpt); 1 tuần 0,18% (giảm 0,01 đpt); 2 tuần 0,23% (giảm 0,02 đpt) và 1 tháng 0,34% (giảm 0,04 đpt).

Tuy nhiên, theo dõi trên thị trường lãi suất huy động giữa ngân hàng và cư dân, không có điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở nhóm này.

Nhu cầu rút tiền của người dân tăng

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, diễn biến lãi suất trên liên ngân hàng thể hiện như trên chủ yếu mang tính chất mùa vụ. Bởi lẽ, cận Tết Âm lịch là thời điểm nhu cầu thanh toán và chi trả bằng VND thường tăng cao đối với hoạt động ngân hàng.

Song cũng còn một yếu tố tác động đến lãi suất VND tăng, đó là dịch bệnh COVID - 19 đang có xu hướng quay trở lại lần thứ 3 tại Việt Nam. Theo thông tin phát đi từ Bộ Y tế, hiện dịch đã bùng phát trở lại với hơn 200 ca nhiễm trong cộng đồng. Trên thị trường, tâm lý tích trữ của người dân cũng bắt đầu xuất hiện.

“Ngoài nhu cầu về Tết như thường lệ, dịch COVID -19 cũng kích thích người dân rút tiền ngân hàng. Điều này khiến thanh khoản hệ thống bớt dồi dào như thời gian trước”, một chuyên gia nhận định.

Quay lại với phiên giao dịch tuần qua, các chuyên gia nhận định, kinh nghiệm từ nhiều năm trước cho thấy, đáp ứng thanh khoản hệ thống phục vụ nhu cầu cao điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường bơm ròng lượng tiền lớn, có những năm ghi nhận quy mô lên tới 150.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong mùa cao điểm năm vừa qua, hoạt động bơm ròng hỗ trợ đó gần như không phải thực hiện và thậm chí nhà điều hành còn hút ròng do trạng thái thanh khoản dư thừa. Một yếu tố liên quan là khi đó cơ quan này đã liên tiếp mua ròng lượng lớn ngoại tệ đi cùng với nguồn VND cung ứng lớn.

Năm nay, diễn biến mùa cao điểm bắt đầu thể hiện. Tuy nhiên, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở mặt bằng rất thấp. Và, với đột biến cuối tuần qua NHNN vẫn không phải hỗ trợ nguồn, trong khi ở kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO), dù NHNN vẫn chào cung đều đặn 1.000 tỷ đồng/phiên nhưng không phát sinh giao dịch nào.

Mặt khác, cân đối vốn của hệ thống vẫn tự điều hòa, lãi suất vay trên liên ngân hàng dù tăng mạnh như trên nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với lãi suất nguồn hỗ trợ qua OMO của NHNN, lên tới 2,5%/năm cho kỳ hạn 7 ngày.