Thanh toán di động sẽ còn nở rộ

Theo Khuê Nguyễn/thoibaonganhang.vn

Kết quả Khảo sát Tiêu dùng toàn cầu năm 2019 được PwC công bố gần đây chỉ ra rằng, ở các nền kinh tế mới nổi, thanh toán di động ở các cửa hàng đang tăng lên. Trong đó Việt Nam chứng kiến mức tăng lớn nhất, đạt tới 61% trong một năm qua, tiếp theo là Trung Đông với 45%, trên toàn cầu mức tăng tổng thể là 24% năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê của Dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến (NAPAS) cũng cho thấy thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

 Đặc biệt, trong 2-3 năm qua, có rất nhiều ứng dụng thanh toán trung gian do các tổ chức không phải là ngân hàng (Fintech) cung cấp như MOMO, VTC-Pay, ZaloPay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payhoo, Moca… Theo dự báo của ông Jan Bellens - Phó Chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ Ngân hàng và Thị trường vốn của EY, số lượng các công ty Fintech Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi xu hướng phát triển của lĩnh vực này. Như vậy, phần nào có thể hình dung thanh toán di động sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.         

Có thể nói, sự thay đổi lớn nhất của ngành tài chính trong thế kỷ 21 chính là tài chính di động. Theo ông Nguyễn Triệu Huy - CEO của The Disruptive Group, tài chính di động đã mang lại một công thức hoàn toàn mới bởi hệ số khác biệt giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng di động có thể lên tới 20 đến 40 lần. Hay nói cách khác.

“Nếu khách hàng mất 2 USD phí khi giao dịch tại quầy, họ có thể chỉ tốn 0,1 USD, thậm chí ít hơn khi thực hiện qua điện thoại. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, điều mà trước đây không hề có ý nghĩa kinh tế thì hiện lại trở thành mảng kinh doanh đầy tiềm năng, kể cả với đối tượng khách hàng có thu nhập thấp”, vị này chia sẻ.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, kênh giao tiếp giữa các thiết bị thông minh và ngân hàng cũng có sự thay đổi lớn. Mã QR có thể xem là chất xúc tác cho sự bùng nổ của thanh toán di động. QR phù hợp với thanh toán di động nhờ tiết kiệm chi phí linh hoạt trong ứng dụng, hầu hết điện thoại thông minh đều có khả năng quét mã QR nên với một ứng dụng thanh toán di động hỗ trợ QR bất kỳ, người tiêu dùng có thể thanh toán dễ dàng bất cứ khi nào.

Đại diện VNPAY cho hay, hiện đã có hơn 20.000 điểm chấp nhận thanh toán thường xuyên phát sinh giao dịch, và 20 ngân hàng tham gia vào mạng lưới thanh toán QR Pay.

Với công nghệ thời 4.0, việc sử dụng internet vạn vật (IoT) vào phương thức thanh toán cũng sẽ giúp giảm chi phí, tăng tốc độ, số lần giao dịch và tiện ích cho khách hàng, bất kỳ một thiết bị thông minh nào có kết nối internet cũng sẽ có thể kích hoạt các hoạt động thương mại điện tử. Lấy ví dụ như trường hợp Samsung và MasterCard cho ra đời ứng dụng Groceries sử dụng trên tủ lạnh thông minh.

Theo đó, Samsung cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch và thanh toán ngay tại chiếc tủ lạnh của mình. Cách thức giao dịch và thanh toán mới này sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với nhu cầu thanh toán của khách hàng một cách nhanh chóng theo thời gian thực.

Tuy nhiên, vị này nhận thấy để thực hiện được mô hình thanh toán này thì các ngân hàng và công ty tài chính phải có đủ công nghệ hỗ trợ hiện đại để thực hiện được lệnh thanh toán từ bất kỳ một thiết bị nào, bất kỳ một địa điểm nào một cách nhanh chóng, dù thanh toán có giá trị thấp hay cao. Điều này đòi hỏi khả năng kết nối, tích hợp với các kênh thanh toán trực tuyến của ngân hàng thông qua các API để mở rộng khả năng kết nối, tích hợp với các bên cung cấp dịch vụ.

Hay nói cách khác, để giải pháp thanh toán di động mới vận hành hiệu quả cần có sự hợp tác chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng của một hệ sinh thái mở rộng gồm các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, các công ty Fintech và các điểm bán lẻ nhằm mang lại sự linh hoạt, dễ dàng, nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng trong khi vẫn đảm bảo tính an toàn trong thanh toán.

ThS. Phạm Xuân Hoè - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ, hạ tầng thanh toán được ví như “xương sống” liên kết các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức, cá nhân khác. Một cơ sở hạ tầng mạnh sẽ đảm bảo các giao dịch được diễn ra nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng, tiết kiệm chi phí thanh, quyết toán.

Theo ông Hoè, hiện nay hệ thống thanh toán của Việt Nam vẫn còn tồn tại cấu phần chưa được tập trung, hạn chế trong công nghệ và thời gian xử lý giao dịch. Tuy nhiên, cũng có điểm đáng mừng khi NHNN đã ban hành Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Trong đó thông tư bổ sung quy định tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, là Bộ Tiêu chuẩn cơ sở của NHNN về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc tại Việt Nam và yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip không tiếp xúc tại Việt Nam.