“Thao túng tiền tệ” và bài toán tỷ giá 2020

Theo Nhuệ Mẫn/tinnhanhchungkhoan.vn

Nhiều kịch bản đã được đưa ra cho diễn biến của đồng Việt Nam trong năm 2020 bởi dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng giảm tốc tăng trưởng kinh tế hay thương chiến Mỹ - Trung…

Bị gán 'thao túng tiền tệ' là rủi ro lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng khi muốn giảm giá VND.
Bị gán 'thao túng tiền tệ' là rủi ro lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng khi muốn giảm giá VND.

VND sẽ giảm giá khoảng 1-2%

Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lượng ngoại hối mua vào bổ sung dự trữ ngoại hối trong năm 2019 vào khoảng 20 tỷ USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối lên mức xấp xỉ 80 tỷ USD, nghĩa là tương đương với 3,8 tháng nhập khẩu và khoảng 6% GDP (theo cách tính mới).

Trong bối cảnh cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu ở mức cao, đồng thời dòng tiền kiều hối vẫn tăng trưởng ổn định, ước tính NHNN sẽ tiếp tục trạng thái mua vào ngoại tệ, với mức mua vào từ 10-12 tỷ USD (nâng mức dự trữ ngoại hối lên 92 tỷ USD, tương đương 4 tháng nhập khẩu).

“So với các nước trong khu vực, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn thấp, nên động thái bổ sung là hợp lý và có thể giúp Việt Nam giải trình việc Mỹ đánh giá ‘thao túng tiền tệ’.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa vi phạm tiêu chí thặng dư tài khoản vãng lai/GDP dưới 2% (theo cách tính GDP mới), nên rủi ro bị dán mác 'thao túng tiền tệ” là không lớn, ngay cả khi Việt Nam vi phạm tiêu chí về việc mua ròng ngoại tệ”, bà Trinh nhận định.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB phân tích, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát… là những yếu tố cơ bản hỗ trợ ổn định, thậm chí giảm lãi suất - là yếu tố tác động đến sự ổn định của tỷ giá.

Trong khi đó, việc xuất khẩu đạt mức thặng dư lớn 9,9 tỷ USD trong năm 2019, cùng với lượng dự trữ ngoại hối xấp xỉ 80 tỷ USD là những yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong năm 2020.

“Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục phá giá khiến sức cạnh tranh của các đồng tiền trong khu vực, trong đó có đồng Việt Nam sẽ phải điều chỉnh để tạo thế cân bằng.

Theo đó, VND có thể sẽ mất giá ở một mức nhất định để bù lại mức độ cạnh tranh và chênh lệch về chi phí sản xuất. Dẫu vậy, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2020 và không biến động quá 1%. Việc VND mất giá quá nhanh sẽ bị cho là ‘thao túng tiền tệ’ và đây là điểm Chính phủ cần lưu ý trong điều hành tỷ giá”, ông Trung nói.

Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực đối với tỷ giá năm 2020 sẽ đến từ xu hướng tiếp tục yếu đi của CNY (dự báo sẽ mất giá thêm 3-4% nếu thương chiến Mỹ - Trung leo thang) và các đồng tiền của những quốc gia mới nổi khác khiến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam suy giảm.

Tuy nhiên, Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách ‘thao túng tiền tệ’ là một rủi ro lớn, buộc NHNN phải thận trọng trong việc giảm giá mạnh VND.

“Dự báo VND sẽ giảm giá tối đa khoảng 2% trong năm 2020”, báo cáo BVSC nhận định.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tỷ giá dự báo sẽ ổn định nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc và cung - cầu ngoại tệ cân bằng, cùng với các biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ nhiều công cụ của NHNN. Tỷ giá USD/VND dự báo có thể tăng nhẹ xoay quanh mức 1-2%”.

Còn nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, năm 2020, tỷ giá VND/USD sẽ dao động từ 23.300-23.500 VND/USD theo mức biên từ 0-0,9%.

Tỷ giá năm 2020 sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ xu hướng giảm tốc tăng trưởng kinh tế và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Theo đó, thứ nhất, nếu các chỉ báo kinh tế vĩ mô toàn cầu, tiếp tục suy yếu, USD sẽ trở về thành tài sản trú ẩn an toàn như các kỳ khủng hoảng trước.

Hiện tượng này sẽ làm tăng giá trị của USD trên thị trường thế giới, kéo tỷ giá VND/USD có thể tăng lên 23.500 VND/USD; thứ hai, nếu các chỉ báo kinh tế vĩ mô toàn cầu hồi phục, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ duy trì xu hướng đi ngang trong vùng giá 23.200-23.300 VND/USD trong năm nay.

Tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối khi cần thiết

Liên quan đến thị trường ngoại hối, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh: “Điều hành tỷ giá luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ ngân hàng trung ương nào trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam”.

Thống đốc cho biết, với kinh nghiệm trong nhiều năm qua, NHNN đã linh hoạt và chủ động, đặc biệt rất kiên định trong điều hành tỷ giá.

Điều này không có nghĩa là cố định tỷ giá, nhưng NHNN đã điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường, phù hợp với mục tiêu điều hành vĩ mô của ngân hàng trung ương và quan trọng nhất là qua đó tăng được một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, cao kỷ lục từ trước đến nay.

“Đây là ‘tấm đệm’ để bảo vệ an ninh tài chính quốc gia, phòng ngừa những tác động từ bên ngoài, đồng thời là yếu tố then chốt để củng cố lòng tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương để ổn định được nền tảng vĩ mô, trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ”, Thống đốc nói.

Từ thực tế và kết quả điều hành đó, cũng theo Thống đốc, NHNN đã củng cố được niềm tin vào năng lực thực thi và điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tỷ giá nói riêng.

Thêm vào đó, công tác quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ là an toàn thanh khoản tuyệt đối và sinh lời, tức là tạo ra hiệu quả về kinh tế.

“Chính phủ cũng như Ngân hàng Trung ương chưa và sẽ không bao giờ có ý định dùng chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá để tạo cạnh tranh thương mại không lành mạnh, không công bằng với các đối tác, bởi tất cả hoạt động điều hành của NHNN là vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tuân theo diễn biến thị trường”, Thống đốc nhấn mạnh.

NHNN tái khẳng định, năm 2020, cơ quan này sẽ điều hành tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.