Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước giảm mua vào ngoại tệ?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang giảm mạnh việc mua vào ngoại tệ nhằm giảm sức ép tăng tỷ giá USD/VND. Theo các chuyên gia, việc giảm mua vào ngoại tệ của NHNN chỉ có lợi cho doanh nghiệp chứ không có hại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

NHNN gần đây đã bất ngờ giảm 150 đồnggiá mua vào USDtại Sở Giao dịch NHNN kỳ hạn sáu tháng, từ 23.125 xuống còn 22.975 đồng, trong khi tỷ giá trung tâm lại giảm không đáng kể.

Đồng thời thay đổi từ cho phép hủy ngang một lần sang không cho phép hủy ngang đối với các ngân hàng ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn cho NHNN trong thời gian tới.

Giảm nhu cầu mua ngoại tệ

Theo các chuyên gia, nhìn nhận một cách đơn giản, có lẽ NHNN đang phát tín hiệu nhằm hạn chế hành động hủy ngang hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn của các ngân hàng thương mại sẽ được thực hiện vào tháng 7 và tháng 8 này.

Cụ thể, ngày 4/1/2021, NHNN đã dừng mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang cơ chế mua kỳ hạn 6 tháng với tỷ giá là 23.175 đồng/USD, thấp hơn 50 VND so với mức tỷ giá giao ngay gần nhất trước đó. Tuy nhiên do đây là tỷ giá kỳ hạn nên mức này sẽ được áp dụng cho những khoản mua vào ngoại tệ của NHNN từ các ngân hàng thương mại cuối năm nay và đầu năm tới.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại khi ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng với NHNN sẽ được phép hủy ngang 1 lần, tại mức giá thanh toán 23.125 đồng.

Như vậy, thời điểm các ngân hàng đến hạn thanh toán là tháng 7 và tháng 8 tới đây, không loại trừ khả năng sẽ có một số ngân hàng muốn hủy ngang. Đáng nói, khi nhà điều hành giảm mạnh giá mua kỳ hạn cho 6 tháng tới xuống còn 22.975 đồng, sẽ khiến các tổ chức này phải suy nghĩ lại vì rõ ràng bán theo hợp đồng đã ký kết đầu năm sẽ được giá hơn.

Còn nếu hủy lần này và ký hợp đồng bán kỳ hạn vào 6 tháng tới, giá sẽ thấp hơn nhiều và cũng không còn được hủy ngang. Cũng cần phải nói thêm rằng, các ngân hàng bị khống chế ở tỷ lệ trạng thái ngoại hối không được vượt quá 20% vốn tự có, do đó không được để tồn ngoại tệ quá nhiều và luôn có nhu cầu thường trực bán lại ngoại tệ cho NHNN.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, động thái giảm giá mua ngoại tệ của NHNN có hàm ý cơ quan này không còn nhu cầu tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới?

Thực tế, các nguồn cung USD khác của Việt Nam là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đều tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, hàng loạt nhà đầu tư ngoại vẫn đổ vốn vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A, tiêu biểu là SMFG đã ký kết thỏa thuận mua lại 49% cổ phần của FE Credit với giá gần 1,4 tỷ USD; Tập đoàn Masan bán 16,26% cổ phần VinCommerce cho SK South East Asia Investment - công ty con của SK Group với giá 410 triệu USD; Momo gọi vốn thành công thêm 100 triệu USD…

Bên cạnh đó, giải ngân vốn FDI trong 5 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Kiều hối về Việt Nam vẫn đều đặn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối trên địa bàn Thành phố trong 5 tháng đầu năm đạt 2,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp dịch bệnh.

Doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao?

Chia sẻ lý do NHNN giảm tỷ giá mua, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, đầu năm NHNN đã gián tiếp điều chỉnh tỷ giá mua giao ngay bằng cách niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn để tỷ giá VND diễn biến linh hoạt hơn và phù hợp với diễn biến cung cầu.

Tuy nhiên, trước những diễn biến của thị trường ngoại tệ thế giới, đồng USD tăng giá. Cụ thể, chỉ số USD Index trên thị trường thế giới từ đáy 89,4 điểm đầu năm nay đã có lúc vọt lên trên 92 điểm trong phiên giao dịch ngày 18/6, trước khi quay đầu giảm về mức 91,8 điểm, đã tạo áp lực lớn nhất với tỷ giá trong nước.

“Gần đây nhất, sau khi phân tích những yếu tố liên quan đến thị trường ngoại tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm tỷ giá kỳ hạn xuống để tạo điều kiện cho VND linh hoạt hơn, tỷ giá do thị trường quyết định, tạo dư địa cho các ngân hàng chủ động định được tỷ giá giao ngay”, ông Hà cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hạn chế mua vào ngoại tệ của NHNN đồng nghĩa phần lớn lượng ngoại tệ có được từ xuất khẩu và giải ngân FDI, kiều hối… sẽ ở lại thị trường. Điều đó sẽ làm giảm áp lực đến tỷ giá cuối năm nay, bởi thời điểm này nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp thường có xu hướng tăng cao. Đó là lợi ích đầu tiên mà doanh nghiệp hưởng lợi.

Bên cạnh đó giới chuyên môn cũng chỉ ra rằng, động thái này cũng làm dịu bớt áp lực lạm phát. Bởi lực này được dự báo sẽ lớn hơn vào cuối năm nay khi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất- kinh doanh - xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu dùng cũng tăng mạnh vào dịp này.

Tuy nhiên, việc hạn chế mua vào ngoại tệ cũng làm giảm khả năng hỗ trợ thanh khoản của NHNN qua kênh này, trong khi giai đoạn cuối năm thường là mùa cao điểm về thanh khoản do nhu cầu tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Thiếu thanh khoản có thể đẩy mặt bằng lãi suất tăng.

"Cung - cầu trên thị trường ngoại tệ hoàn toàn ổn định, thanh khoản thông suốt, mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ", ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.