Thời cơ để ngân hàng số và thanh toán điện tử “bùng nổ”

Theo Đỗ Nga/congthuong.vn

Trước tác động nặng nề của dịch Covid-19 lên nền kinh tế, xét ở một góc độ tích cực, dịch Covid-19 đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đua của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trong tiến trình triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tăng trưởng thanh toán điện tử

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng Covid-19” vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội đã cho thấy thực trạng toàn cảnh của hoạt động chuyển đổi công nghệ số trong kinh doanh của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trước đại dịch. Tuy nhiên, qua đó các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng thông qua các phương thức giao dịch trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Ngân hàng số BIDV, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khách hàng của BIDV đã sử dụng đến 1.300 loại giao dịch thanh toán, chiếm 85% tổng giao dịch qua các kênh điện tử của BIDV, xử lý bình quân 15,5 triệu giao dịch/tháng với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng. BIDV cũng đã tích hợp VinID với hạng mục “đi chợ online” để tăng tiện ích cho khách hàng.

Đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt nam (NAPAS) cũng chia sẻ, thanh toán điện tử trong quý 1/2020 đã tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Dù giao dịch tài chính số bùng nổ trong quý 1/2020, nhưng việc ứng dụng công nghệ trong tài chính số mới chỉ để thúc đẩy thanh toán điện tử. Điều này cho thấy hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh tuy nhiên vẫn mờ nhạt. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thúc đẩy ngân hàng số.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng Mobile Banking thời gian qua là 200%. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là thói quen, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen người dùng. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa ngân hàng với các dịch vụ fintech (công nghệ trong tài chính). Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng - fintech để cùng phát triển.

Không chỉ BIDV, mà nhiều ngân hàng khác cũng đã và đang chạy đua phát triển ngân hàng số. Trên thực tế, mỗi ngân hàng có một định hướng khác nhau về ngân hàng số, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng của mình. Tuy nhiên do hạ tầng số, khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng số, thanh toán điện tử chưa hoàn thiện, nên hiện nay Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng số đúng nghĩa.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thời gian qua có sự dịch chuyển không nhỏ khách hàng từ ngân hàng này chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác. Không ít ngân hàng đang đứng trước áp lực không "nhập cuộc" sẽ bị loại bỏ.

Thúc đẩy cuộc đua số hóa

Theo các chuyên gia đánh giá, trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có lợi thế trong phát triển kinh tế số. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300.000 tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.

Để gỡ nút thắt về công nghệ, đại diện các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, trong chiến lược năm 2020, phát triển ngân hàng đến 2025 tầm nhìn 2030, BIDV xác định công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược phát triển chính của ngân hàng.

Đặc biệt, để kinh tế số thực sự "bùng nổ", ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị: Các ngân hàng cần quyết liệt hoàn thiện hệ sinh thái số một cách mạnh mẽ, trước hết phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng. Thứ hai, quan trọng hơn là khách hàng phải được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử phát triển, từ đó hướng tới một xã hội không tiền mặt.
Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử phát triển, từ đó hướng tới một xã hội không tiền mặt.
 

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện. Đặc biệt, còn có hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC)...

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Hưng- Tổng Giám đốc NAPAS cũng trình bày, NAPAS sẽ tiến hành nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng thanh toán điện tử. Trong đó, NAPAS sẽ đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bán lẻ và bù trừ tự động (ACH). Ngoài ra, NAPAS cũng đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm thanh toán mới trên nền tảng di động, bao gồm: các tiện ích mới cho dịch vụ mobile banking; sử dụng điện thoại di động như thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán không tiếp xúc....

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ tài chính số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh. Do đó, theo ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, có 4 việc vần phải làm ngay:

Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, phải xác định được tổ chức, cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán.

Thứ ba, tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cuối cùng, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.