Tín dụng đen bủa vây từ thành thị đến nông thôn

Theo Bảo Anh/nhadautu.vn

Trước thực trạng "tín dụng đen bủa vây từ thành thị đến nông thôn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành Ngân hàng cũng có phần trách nhiệm.

 Vấn nạn “tín dụng đen” công khai xuất hiện từ thành thị đến nông thôn. Nguồn: internet
Vấn nạn “tín dụng đen” công khai xuất hiện từ thành thị đến nông thôn. Nguồn: internet

Sáng ngày 9/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu dài hơn 1 giờ đồng hồ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2019. Vấn nạn tín dụng đen được Thủ tướng nhắc tới khá nhiều trong bài phát biểu của mình.

Thủ tướng nhìn nhận đã có chủ trương chống tín dụng đen nhưng thực tế, ở nhiều địa bàn, tình trạng này vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và niềm tin của người dân. Ông còn dẫn lại phát biểu của Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) trên diễn đàn Quốc hội cho thấy, tình trạng tín dụng đen, lãi suất cho vay cắt cổ đang bủa vây người dân từ thành thị tới nông thôn và khiến nhiều người trở thành những "Chị Dậu mới".

Thủ tướng cũng đồng tình với báo động của WB rằng tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng của Việt Nam hiện khá cao. "Vấn đề này có phần trách nhiệm của ngân hàng khi chưa mang dịch vụ ngân hàng được đến vùng sâu xa, nông thôn. Các đồng chí cần chủ động hơn trong phối hợp với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng", Thủ tướng chỉ đạo.

Đánh giá cao việc ngành ngân hàng dành trên 5.000 tỷ đồng để cho chính sách cho vay nông thôn, vùng sâu vùng xa nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách nên vươn ra hơn nữa để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người dân nghèo.

Số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an đưa ra tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/12 cho biết, trong 4 năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo...

Tín dụng đen thường gắn với một số hoạt động của các công ty đòi nợ thuê sử dụng những thành phần lưu manh, côn đồ... Hiện, lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.

Trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an và các bộ, ngành khác, chính quyền các tỉnh, thành sẽ vào cuộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt vai trò trong kiểm soát lạm phát ở 3,54% năm 2018. Nỗ lực này được lãnh đạo Chính phủ ghi nhận trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, đồng nội tệ các nước mất giá, lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương liên tục điều chỉnh và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ vẫn cho rằng, so với khu vực và thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế về tiềm lực tài chính, chất lượng tài sản chưa cao, danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn. Chưa kể, Thủ tướng thẳng thắn nhận xét, trình độ quản lý điều hành ở một số nhà băng còn chưa cao, mô hình bên trong các ngân hàng thương mại còn cồng kềnh, thiếu chuyên nghiệp.

Thủ tướng cũng cho rằng công nghệ ngân hàng còn khoảng cách đáng kể so với trình độ khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu hành lang pháp lý cần đầy đủ chế tài đảm bảo ngừa rủi ro cho hệ thống cũng như người sử dụng. Theo Thủ tướng, mất an toàn về công nghệ, rút ruột ngân hàng là mối lo lớn hiện nay. "Cần nghiên cứu chế tài đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của ngân hàng, không để bị động như vừa qua. Các ngân hàng cần trang bị lớp cán bộ giỏi về nghề, xử lý để đảm bảo an toàn hệ thống", Người đứng đầu Chính phủ nói.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, cơ cấu và chất lượng tín dụng của một số đơn vị cần rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. "Một số tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp nhưng khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn ở mức cao. Nợ xấu trong cho vay tiêu dùng đang tăng", Thủ tướng lưu ý.