Chuyên gia Cấn Văn Lực:

Tín dụng năm nay có thể tăng 9-10%

Theo Lê Hải/ndh.vn

Các ngân hàng hỗ trợ 30.000-34.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong dịch Covid-19, thông qua việc giãn nợ, hạ lãi suất... ước tính giảm lợi nhuận khoàng 25%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên lề sự kiện Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đã chia sẻ về diễn biến tín dụng năm 2020 và vấn đề giải ngân vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

PV. Ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam có thể xem xét điều chỉnh tăng trưởng kinh tế từ 6,8% về 5,4%? 

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Chính phủ đã trình bày rất rõ về nguyên nhân khách quan của việc hạ chỉ tiêu, đó là do dịch Covid-19. Chúng ta đã phòng ngừa rất tốt tuy nhiên không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực rất lớn, cả về cung và cầu. 

Chính phủ cũng đang đề xuất với Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu về tăng trường kinh tế dự tính có thể là 4,8% còn sẽ quyết tâm tối đa tăng trưởng trên 5%, thậm chí là 5,4%. Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận phù hợp, bởi vì Trung Quốc cũng sẽ họp Quốc hội và không đặt nặng vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta cảm thấy khá rõ tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là trong kết quả kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm. Đây là thời điểm có đủ những cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu.

 Nhắc dịch Covid-19 thì vừa qua ngành ngân hàng cũng ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ. Tuy vậy, tình trạng ngân hàng cho vay nhưng doanh nghiệp phản ánh không thể tiếp cận được vốn vẫn đang diễn ra. Ông đánh giá sao về thực trạng này và theo ông giải pháp là gì?

 Tôi cho rằng chúng ta đang thực hiện những gói chính sách hỗ trợ rất mạnh mẽ. Về cơ bản, riêng mảng tài chính ngân hàng đã làm rất quyết liệt.

Thứ nhất, liên quan đến cơ cấu lại nợ và giãn nợ đã xử lý khoảng 1 triệu doanh nghiệp, với đâu đó khoảng gần một nửa dư nợ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Thứ hai , cho vay mới. Trong tổng số 600.000 tỷ đồng các gói hỗ trợ tín dụng, cam kết cho vay lãi suất thấp hơn, đã giải ngân khoảng 200.000 tỷ đồng. Tín dụng 4 tháng đầu năm cũng đã tăng được 1,32% so với cuối năm trước. 

Tôi cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh và nhu cầu về vốn còn yếu ớt thì những con số trên là chấp nhận được. Tất nhiên có những doanh nghiệp vẫn còn mong muốn tiếp cận dễ hơn nhanh hơn, gọn hơn, ta phải xem xét nguyên nhân có thể đến từ hai phía.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng từ tháng 5 trở đi nhu cầu tín dụng của thị trường sẽ tăng lên và nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 3,5% đến 4%. Ảnh: L.H.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng từ tháng 5 trở đi nhu cầu tín dụng của thị trường sẽ tăng lên và nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 3,5% đến 4%. Ảnh: L.H.
 

Ví dụ, tại các tổ chức tín dụng (TCTD) quy trình thủ tục tương đối phức tạp, đặc biệt phải yêu cầu có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. 

Điều này tôi thấy hợp lý vì đây là tiền của TCTD, không phải tiền của ngân sách hoặc tiền cho không. Giải ngân tín dụng cần kiểm soát để tránh tiềm ẩn rủi ro lâu dài, ảnh hưởng đến kinh tế trong tương lai. 

Ngân hàng sẵn sàng cho vay, nguồn vốn không thiếu. Tuy nhiên, vấn đề là thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những doanh nghiệp thực sự có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay. Chúng tôi cũng đã tính toán các phần hỗ trợ bao gồm cả hoãn nợ, giảm lãi suất, chi phí hệ thống ngân hàng sẽ phải chia sẻ khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, mức giảm lợi nhuận khoảng 25%.

Về phía các doanh nghiệp, tôi cho rằng thiện chí hợp tác là vô cùng quan trọng. Ví dụ như ngân hàng yêu cầu phải chứng minh cái này cái kia doanh nghiệp phải hợp tác. Chẳng hạn tôi thấy chuyện chứng minh tác động của dịch khá là rõ và cái đó hoàn toàn trong khả năng của doanh nghiệp có thể chứng minh được, nếu thiếu thiện chí thì cực kỳ khó. 

Mặt khác, chúng ta phải tránh việc trục lợi chính sách, tức là có doanh nghiệp đã bị khó khăn trước Covid-19 nhưng họ lợi dụng tình hình dịch bệnh để vay hưởng lãi suất thấp. Tôi cho rằng cần phải hết sức chú trọng, quan điểm của tôi là cần phải có sự vào cuộc của 3 phía, một là Nhà nước, thứ hai là các TCTD và thứ ba là bản thân các doanh nghiệp.

 Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc này chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp, quan điểm của ông?

Thực ra hiện nay lãi suất không phải là điểm nghẽn chính của doanh nghiệp. Tất nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn hưởng lãi suất thấp nhưng thực ra hiện nay quan trọng nhất với doanh nghiệp là dòng tiền và thanh khoản. Vấn đề này Chính phủ cũng tập trung xử lý bằng gói hỗ trợ tài khóa, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và có Thông tư 01 cho giãn món nợ. 

Đến nay, tôi cho rằng các biện pháp trên hoàn toàn đúng và trúng theo nhu cầu thực tại của doanh nghiệp. 

Đối với nhu cầu vốn vay, sau khi khởi động lại nền kinh tế, chắc chắn vốn vay sẽ tăng lên mạnh hơn và các ngân hàng thương mại đã sẵn sàng để cho vay, minh chứng là đến nay đã giải ngân được 1/3. 

Câu chuyện quan hệ tín dụng luôn có một số vướng mắc nhưng về cơ bản chúng ta vẫn ở trạng thái tương đối ổn định. Từ tháng 5 trở đi, nhu cầu tín dụng thị trường có thể tăng mạnh lên. Hết quý II, tín dụng có thể tăng khoảng 3,5% đến 4% và cả năm có thể tăng 9-10%. Tôi cho rằng đây là mức tương đối phù hợp trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu hiện nay.

Về đề xuất quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sao, thưa ông?

Thực ra, quỹ này có cơ chế chính sách hoạt động từ năm 2003 nhưng suốt gần 20 năm qua không phát triển được. Hiện cả nước có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu do địa phương dùng ngân sách của mình để thành lập. 

Có 3 lý do chính khiến cho quỹ bảo lãnh tín dụng này không phát triển. Đầu tiên là năng lực. Kế đến do quy trình trách nhiệm chưa được rõ ràng. Thứ ba là phối hợp giữa các quỹ chưa được tốt. Đây cũng là một hướng đi nhưng muốn làm được việc này đòi hỏi thời gian để nâng cao năng lực về cả nguồn nhân lực, tài chính công nghệ của các quỹ này. Khi đó, bài toán bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn có thể giải. 

Mặt khác, tôi nghĩ rằng cũng cần phát huy tốt hơn quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng từ 2004 đến bây giờ. Năm trước, Chính phủ đã sửa lại những quy định để đảm bảo quỹ này tốt hơn, tôi hy vọng quỹ này sẽ phối hợp tốt hơn nữa với ngân hàng thương mại để thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.