Tín dụng tăng trưởng thúc đẩy phục hồi kinh tế

Theo Phương Vy/nhandan.vn

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 9,3% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dòng tín dụng này phần lớn đã chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để trang bị thêm máy móc, tuyển thêm lao động, Công ty cổ phần quốc tế Dony (quận Tân Bình) đã làm hồ sơ vay vốn ngân hàng và ngay lập tức đã được giải ngân nhanh chóng. “Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng, chúng tôi đã được vay vốn rất nhanh chóng, thuận lợi. Nhờ được giải ngân kịp thời, chúng tôi có thêm nguồn vốn để bắt tay vào sản xuất”, Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony Phạm Quang Anh chia sẻ.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, việc vay vốn tại ngân hàng thời gian gần đây để khôi phục sản xuất khá dễ dàng, thuận lợi. Để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 bắt đầu giai đoạn phục hồi, các ngân hàng đã dự phòng nguồn vốn tín dụng dồi dào. Để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng thương mại vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Đề nghị này cũng xuất phát từ thực tế là tín dụng trong những tháng đầu năm nay đã tăng vọt.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nếu tính lũy kế tới năm tháng đầu năm 2022, Vietcombank tăng trưởng tín dụng hơn 9%. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng trưởng cho vay 4,7%; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng trưởng tín dụng tới 8,7%...

Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho thấy, sáu tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021.

“Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất (4,83%), phản ánh đúng xu hướng phục hồi và khả năng phục hồi cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Lệnh nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm, ngành ngân hàng đang tiếp tục cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn, giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp. Đến nay, dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế của Thông tư số 01, Thông tư số 03 và Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt khoảng 563 nghìn tỷ đồng đối với gần 1,3 triệu khách hàng. Cho vay ngắn hạn tiền đồng với lãi suất thấp đối với năm nhóm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 202 nghìn tỷ đồng cho hơn 35 nghìn khách hàng. Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp, hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiếp cận tốt nhất vốn tín dụng ngân hàng; đồng thời, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm nay đã giải ngân cho vay gần 100 nghìn tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng phối hợp các sở, ngành, quận, huyện tổ chức các chương trình kết nối chuyên đề để thông tin cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách; về lĩnh vực du lịch, dịch vụ; lĩnh vực xuất nhập, khẩu và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp-khu chế xuất. Trong đó, tổ chức thực hiện Thông tư số 03 về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, về lãi suất, tỷ giá vẫn diễn biến phù hợp thị trường và theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này đã góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.

Chính sự ổn định của lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong bối cảnh giá cả thị trường thế giới, giá cả hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu đầu vào và xăng dầu tăng cao, đã góp phần quan trọng trong việc kìm giữ lạm phát. Nhờ vậy, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực tăng giá, giảm bớt khó khăn, bảo toàn được giá trị tài sản để phục hồi và tăng trưởng, tiếp tục là cơ sở, nền tảng quan trọng để doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay và trong thời gian tới.