Trao đổi về định hướng và giải pháp giám sát tài chính đối với tổ chức tín dụng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2019

Hệ thống tài chính phát triển lành mạnh, bền vững luôn là một trong các mục tiêu chính của các quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, giám sát hệ thống tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường phát triển an toàn, thuận lợi và lành mạnh cho các định chế tài chính nói riêng và toàn bộ hệ thống tài chính nói chung. Trên cơ sở trao đổi tổng thể về định hướng và nội dung trong giám sát hệ thống tài chính ở Việt Nam, bài viết đưa ra một số giải pháp góp phần tăng cường giám sát tài chính đối với các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về định hướng và nội dung giám sát hệ thống tài chính ở Việt Nam

Định hướng về giám sát hệ thống tài chính

Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam cũng từng bước phát triển và hoàn thiện. Hiện tại, mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam đang được thực hiện theo hướng chuyên ngành, tức mỗi ngành được giám sát bởi cơ quan giám sát riêng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp giám sát lĩnh vực ngân hàng, Bộ Tài chính giám sát lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trực thuộc Chính phủ giám sát vĩ mô. Trong thời gian tới, định hướng giám sát hệ thống tài chính ở nước ta cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nâng cao hiệu quả và hiệu lực giám sát chuyên ngành, đồng thời, tăng cường giám sát tài chính vĩ mô của toàn bộ hệ thống tài chính cũng như hoạt động các tập đoàn tài chính thông qua củng cố vị thế pháp lý, bổ sung nguồn lực cho cơ quan thanh tra giám sát hệ thống tài chính. Đặc biệt, cần xây dựng các định chế, tiêu chí phân loại và giám sát các tập đoàn tài chính. Cần bảo đảm nguyên tắc cơ bản là thực hiện giám sát chặt chẽ song không bóp nghẹt tính năng động, sáng tạo của thị trường tài chính.

Hai là, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính trong giám sát toàn bộ hệ thống tài chính, kể cả các tập đoàn tài chính đa năng. Trong ngắn hạn, cần xây dựng các quy chế về quy trình, tiêu chí giám sát chung giữa các cơ quan hữu quan và quy chế xác định khung hợp tác giữa các cơ quan giám sát riêng với nhau.

Ba là, nâng cao năng lực giám sát của hệ thống hạ tầng công nghệ giám sát và năng lực của bộ máy nhân lực giám sát thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, nhất quán và áp dụng công nghệ giám sát hiện đại để cập nhật thông tin từ cơ sở được giám sát đến cơ quan giám sát một cách nhanh chóng, kịp thời, đưa ra các dự báo kịp thời, chính xác, nâng cao năng lực phân tích chính sách và dự báo tài chính vĩ mô của các cán bộ giám sát.

Bốn là, tăng cường hiệu lực giám sát tuân thủ, đồngthời chuyển dần sang giám sát dựa trên rủi ro thông qua việc thu hẹp các chuẩn mực trong nước với quốc tế (hoàn tất Basel II, tiến tới Basel III); xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu giám sát và ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, các mô hình định lượng và các quy chuẩn, chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính, qua đó, giảm thiểu các rủi ro toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả giám sát toàn thị trường tài chính trong bối cảnh hội nhập kinh tế - tài chính ngày càng sâu rộng.

Năm là, áp dụng rộng rãi chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hiệu lực, chế tài thực thi cao trong áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, báo cáo tài chính quốc tế và hệ thống thống kê; xây dựng, củng cố và phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước có năng lực, uy tín chuyên môn cao.

Nội dung giám sát hệ thống tài chính

Hoạt động giám sát hệ thống tài chính ở Việt Nam ngày càng quan đóng vai trò trọng trong bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống tài chính và phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hoạt động giám sát hệ thống tài chính cần tập trung vào một số nội dung cơ bản,  cụ thể:

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả và hiệu lực giám sát chuyên ngành (theo định chế tài chính), đồng thời, từng bước áp dụng mô hình giám sát hợp nhất một phần và sau đó là toàn bộ đối với hệ thống tài chính; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính trong và ngoài nước đối với hoạt động giám sát toàn bộ hệ thống tài chính, kể cả các tập đoàn tài chính đa năng và giám sát đối với tài chính doanh nghiệp (DN).

- Giám sát an toàn thị trường tài chính vĩ mô và vi mô, hướng tới sự ổn định của toàn bộ thị trường tài chính và bảo đảm duy trì sự ổn định của từng định chế tài chính, bảo vệ được nhà đầu tư và người gửi tiền trên thị trường tài chính. Xây dựng các quy chế, quy trình, tiêu chí giám sát chung giữa các cơ quan hữu quan và giữa các cơ quan giám sát riêng với nhau; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý để hỗ trợ giám sát và dự báo nhanh chóng, kịp thời, chính xác…

- Công tác giám sát an toàn tài chính - tiền tệ chỉ có thể làm tốt được nếu như có được dựa trên hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ, chính xác và cơ chế công bố thông tin công khai, minh bạch. Bởi thực tế, điểm khác biệt quan trọng lớn nhất giữa giám sát an toàn tài chính - tiền tệ với các loại hình giám sát khác là công cụ sử dụng chủ yếu là căn cứ vào thông tin và số liệu của các báo cáo.

- Cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước theo nguyên tắc mỗi vấn đề chỉ do một cơ quan phụ trách và các cơ quan có liên quan cần xác định cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin mang tính pháp lý cho nhau.

Giám sát đối với các tổ chức tín dụng

Hiện tại, mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam đang được thực hiện theo hướng chuyên ngành, tức mỗi ngành được giám sát bởi cơ quan giám sát riêng. Ngân hàng Nhà nước trực tiếp giám sát lĩnh vực ngân hàng, Bộ Tài chính giám sát lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trực thuộc Chính phủ giám sát vĩ mô.

Trong nội dung giám sát hệ thống tài chính, cần coi trọng giám sát đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), để từ đó giúp cơ quan quản lý biết được những rủi ro tiềm ẩn của các TCTD nói chung và NHTM nói riêng. Bởi hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống tài chính với quy mô tín dụng chiếm trên 80% tổng số vốn cung ứng ra nền kinh tế, do đó, sự ổn định của hệ thống này đóng vai trò quan trọng đối với việc ổn định của hệ thống tài chính.

Thời gian qua, hoạt động giám sát ngân hàng được thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về tiền tệ, ngân hàng với giám sát trên cơ sở rủi ro. Đến nay, nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của TCTD. Bên cạnh giám sát vi mô đối với từng TCTD, các hệ thống giám sát an toàn vĩ mô từng bước được nghiên cứu, triển khai như mô hình dự báo tài chính FPM, bộ chỉ số lành mạnh tài chính và các mô hình kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống và mô hình đánh giá hiệu quả hoạt động của các NHTM...

Giải pháp tăng cường giám sát tài chính đối với tổ chức tín dụng

Hoạt động giám sát hệ thống tài chính rất quan trọng và góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia nói chung và góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng. Trên cơ sở trao đổi tổng thể chung từ định hướng và nội dung trong giám sát hệ thống tài chính ở Việt Nam, một số giải pháp nhằm tăng cường giám sát tài chính đối với TCTD trong thời gian tới như sau:

Với các tổ chức tín dụng

NHNN cần xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về công bố thông tin, trong đó có các chế tài thích hợp đối với tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM), nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch về thông tin tài chính như các ngân hàng có cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình chỉnh lý tiêu chuẩn kế toán và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Cần sửa đổi một số vấn đề như: linh hoạt hơn trong trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho phép hướng tới thông qua các phương pháp tiếp cận các chu kỳ (ví dụ như trích lập dự phòng tổn thất dự kiến), thắt chặt các quy định về việc hợp nhất các rủi ro ngoại bảng và áp dụng giá trị kế toán hợp lý cho các loại công cụ tài chính.

Để tăng cường tính hiệu quả của cơ chế kỷ luật, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng như tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó tập trung vào các NHTM, thì một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường thanh tra giám sát, tăng tính độc lập cho NHNN.

Điều hành chính sách tiền tệ

NHNN cần tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Xác định và kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng hợp lý để đảm bảo đủ vốn cho tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được cung tiền trong nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn của hệ thống ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà không gây áp lực lạm phát... Trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần có sự phối hợp đồng bộ để đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2019 và những năm tiếp theo...

Tiếp tục tăng cường kỷ luật thị trường tài chính, bằng các quy định chặt chẽ về khả năng thanh khoản, chất lượng đầu tư, tính an toàn trong hoạt động của các TCTD; nâng cao chất lượng quản trị rủi ro của các NHTM bằng hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường các biện phát giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ một cách hiệu quả.

Quản lý thị trường ngoại hối và điều hành tỷ giá

Trong thời gian qua, dự trữ ngoại hối liên tục tăng trong khi tỷ giá ổn định, điều này cho thấy ngoại tệ luôn dư thừa trên thị trường và NHNN chỉ việc mua lượng dư thừa đó để ổn định tỷ giá. Sự chặt chẽ trong các chính sách trên đã giúp cho người dân và DN quay trở lại nắm giữ tiền đồng. Thặng dư trên cán cân vốn và nguồn kiều hối cũng góp phần tạo ra nguồn cung ngoại tệ dồi dào và ổn định thị trường trong thời gian qua.

Tiếp tục duy trì định hướng chính sách hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chống hiện tượng đôla hóa trong nền kinh tế… Tuy nhiên, cần tăng tính linh hoạt hơn qua việc nới biên độ tỷ giá mà NHNN có thể điều tiết trong năm để tăng sự linh hoạt cho điều hành chính sách, đồng thời tạo động lực để DN tăng cường năng lực quản trị rủi ro tỷ giá.

Hoàn thiện cơ chế hoạt động cho VAMC

Với cơ chế đặc biệt được quy định tại Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), VAMC khắc phục được khá nhiều điểm hạn chế nếu TCTD tự xử lý nợ xấu và có nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả hơn để xử lý số lượng nợ xấu đã mua. VAMC xử lý nợ thông qua 5 giải pháp chủ yếu, đó là bán tài sản đặc biệt; cơ cấu nợ; khởi kiện, thi hành án; đôn đốc thu nợ; bán nợ. Trong đó VAMC đặc biệt tập trung vào hoạt động cơ cấu nợ cho khách hàng có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và cơ cấu nợ thường gắn với cho vay bổ sung. Sau khi VAMC mua nợ xấu, DN có nợ xấu được bán được xem xét để miễn giảm lãi, cơ cấu nợ, cho vay bổ sung nếu có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thời gian qua, nhiều trường hợp VAMC đã thực sự là “điểm tựa và kỳ vọng của DN”. Ngày 16/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản đặc biệt của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản đặc biệt của khoản nợ xấu có giá trị lớn. Đây là điều kiện để hoàn thiện hoạt động của VAMC, để từ đó, VAMC sẽ chủ động nhiều hơn trong xử lý, góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia và sự phát triển ổn định của các TCTD.   

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng;

2. Quốc hội (2017), Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng;

3. Chính phủ (2017), Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản đặc biệt của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản đặc biệt của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản đặc biệt của khoản nợ xấu có giá trị lớn;

4. Nguyễn Thị Mùi (2013), Giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 10/2013;

5. Tô Ngọc Hưng, Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam, NXB Tài chính, năm 2011.