Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển tài chính toàn diện

PV.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện theo Quyết định số 149/QĐ-TTg 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược tài chính toàn diện đã đạt được một số kết quả nổi bật về khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính... Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Những kết quả tích cực

Nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 về việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức to lớn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần xóa đói giảm nghèo tạo sự phát triển hài hòa bền vững trên khắp các vùng miền trong cả nước.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (2022), sau hơn 2 năm, việc triển khai Chiến lược tài chính toàn diện đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện; hoàn thiện các cơ chế chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính...

Các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đồng thời phát triển đa dạng các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tài chính trên phạm vi cả nước. Các sản phẩm dịch vụ tài chính nhất là các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được chú trọng phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với nhiều tiện ích phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư hoàn thiện...

Đặc biệt, một số giải pháp rất quan trọng, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp thực hiện như: Ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ như Mobile Money, xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chương trình đào tạo nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển hiệu quả bền vững, mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch, hệ thống ATM, POS và các điểm cung ứng dịch vụ tài chính trải rộng khắp địa bàn trong cả nước. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối tập trung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này chiếm 25%/tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Cùng với đó, dịch vụ tài chính số đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đến nay có gần 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Đơn cử năm 2021, giao dịch thanh toán qua Internet tăng 33%; qua điện thoại tăng 88%; QRCode tăng 126%; ví điện tử tăng 82% so với năm 2020. Sự phát triển dịch vụ tài chính số đem lại nhiều cơ hội cho ngân hàng cũng như giúp cho khách hàng tiếp cận sản phẩm dịch vụ đa dạng tiện ích phù hợp với nhu cầu và với chi phí thấp...

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển tài chính toàn diện

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho mọi người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn lực tài chính cần thiết cho phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống nhân dân, thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới cần quan tâm triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược theo quy định.

Thứ hai, với Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện trong việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng; tăng năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm dịch vụ, các kênh cung ứng dịch vụ.

Thứ ba, về hoàn thiện thể chế, cần ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; ban hành quy định về đại lý thanh toán. Nghiên cứu ban hành quy định về hoạt động cho vay thực hiện bằng phương thức điện tử; Hoàn thiện quy định về bảo hiểm vi mô, cơ chế bảo lãnh tín dụng; Ban hành hướng dẫn giao diện lập trình ứng dụng mở cho lĩnh vực thanh toán trong ngành Ngân hàng...

Thứ tư, về phát triển các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, cần khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS, khuyến khích mở rộng mạng lưới ATM và POS ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động với các ngân hàng thương mại, hợp tác với các Fitech.

Thứ năm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng.