Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng Việt ở đâu so với khu vực?

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Các ngân hàng ở Việt Nam có vốn dự phòng ở mức thấp, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) chỉ bằng một nửa so với CAR của các nhà băng tại các quốc gia ASEAN+5.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tỷ lệ an toàn vốn đang ở mức thấp

Trong báo cáo “Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam” mới phát hành, Ngân hàng Thế giới - World Bank đánh giá, lợi nhuận của khu vực ngân hàng Việt Nam vẫn vững chắc tính đến thời điểm hiện nay, ngay trong đại dịch.

Các chỉ số lợi nhuận đã phục hồi sau khi chững lại hồi giữa năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021. Trong số các ngân hàng có báo cáo, biên lãi suất ròng tăng từ 2,93% trong nửa đầu năm 2020 lên 3,68% trong nửa đầu năm 2021.

Tương tự, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản và trên vốn chủ sở hữu tăng lần lượt 1,47% và 20,6% trong nửa đầu năm 2021 so với 1,1% và 16,0% trong năm 2020.

Theo World Bank, biên lãi suất tăng có nguyên nhân vì lãi suất tiền gửi giảm nhanh hơn so với lãi vay do chính sách của NHNN. Nguồn tiền gửi tăng chậm hơn (8,4% tính đến cuối tháng 12/2021) có thể do lãi suất tiền gửi ở mức thấp.

“Tuy nhiên, các biện pháp giãn thời gian trả nợ có thể trì hoãn việc xác định và ghi nhận nợ xấu, và tác động của đợt dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 04 chưa được phản ánh đầy đủ”, World Bank cảnh báo.

Theo công bố mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã ở mức 1,9%, tăng so với mức 1,69% hồi cuối 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3,79%. Trong khi đó, trong trường hợp thận trọng hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông 01 có nguy cơ nữa thì tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 8,2%.

Vốn dự phòng mỏng và tỷ lệ bù đắp dự phòng khác nhau giữa các ngân hàng có nghĩa là một số ngân hàng có thể không đủ khả năng duy trì nợ xấu ở mức cao hơn đáng kể. Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, dự trữ tổn thất vốn vay của các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể, dao động từ 31% đến 243% giá trị nợ xấu. 

Hơn nữa, trích lập dự phòng bổ sung do tăng nợ xấu tăng sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận và vốn của ngân hàng. 

“Đáng tiếc là các ngân hàng ở Việt Nam có vốn dự phòng ở mức thấp, sau khi xét đến tỷ lệ an toàn vốn chỉ khoảng 11,3% (quý 1/2021) so với 16% đến 24% tại các quốc gia ASEAN+5”, báo cáo nêu.

Cần tiếp tục theo dõi thận trọng xu hướng gia tăng nợ xấu

Theo đánh giá của World Bank, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực, với điều kiện tiếp tục triển khai vtrên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu. 

Sau khi tăng trưởng đã vững bước, các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ quay lại với các mục tiêu trung hạn. Cơ quan quản lý tài khóa sẽ tiếp tục các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa trung hạn từ năm 2023 trở đi. Cơ quan tiền tệ sẽ rút dần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong khủng hoảng. 

“Cơ quan tiền tệ cần đảm bảo cơ chế giải quyết nợ xấu phù hợp được vận hành, tiếp tục theo dõi thận trọng nợ xấu gia tăng và chất lượng tài sản của ngân hàng để đảm bảo sức khỏe cho khu vực gân hàng và thúc đẩy áp dụng các quy định an toàn vốn theo chuẩn Basel II tại tất cả các ngân hàng đang hoạt động”, báo cáo nhấn mạnh.

Sự phát triển của ngân hàng số và hệ thống thanh toán điện tử quốc gia sẽ đẩy mạnh các dịch vụ tài chính toàn diện, đem lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực phi chính thức.

Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ đạt thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ xuất khẩu đạt kết quả tốt và nguồn kiều hối ổn định. Theo World Bank, do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, thặng dư tài khoản vãng lai sẽ chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,5-2% GDP trong trung hạn. 

Nguồn kiều hối dự kiến đóng góp ổn định từ 18 tỷ USD đến 20 tỷ USD cho tài khoản vãng lai. Cán cân tài chính dự kiến sẽ được hưởng lợi với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, đến nay vẫn đứng vững trong giai đoạn đại dịch và dự kiến sẽ phục hồi về các mức trước COVID. 

Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư càng trở nên thu hút hơn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa nguồn sản xuất của nhiều chính phủ và tập đoàn đa quốc gia hậu COVID-19.