Tỉnh Hậu Giang:

Ưu tiên tín dụng vào lĩnh vực sản xuất

Theo T. Xoàn/Báo Hậu Giang

Trong những tháng cuối năm, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tập trung nguồn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục khôi phục sản xuất và phát triển.

Trong tháng 9 vừa qua, Công ty Cổ phần May Nhà Bè Hậu Giang đã được vay trên 1,6 tỉ đồng, trả lương cho 486 lao động để phục hồi sản xuất. T.Xoàn
Trong tháng 9 vừa qua, Công ty Cổ phần May Nhà Bè Hậu Giang đã được vay trên 1,6 tỉ đồng, trả lương cho 486 lao động để phục hồi sản xuất. T.Xoàn

Đồng hành cùng người dân vượt khó

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Hậu Giang, những tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cán cân vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh, mặt bằng lãi suất cho vay từ năm 2019 đến nay luôn giữ ở mức ổn định và theo xu hướng giảm. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay đối với các lĩnh vực ưu tiên bằng đồng Việt Nam còn ở mức 4,5%/năm; cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 10-11%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 9,0-9,5%/năm; trung, dài hạn từ 10,5-13%/năm.

Từ ngày 23/1/2020 đến nay, toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 1.329 tỷ đồng, với 279 khách hàng. Miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 740 tỷ đồng với 146 khách hàng, số tiền được miễn lãi là 721 triệu đồng. Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay là 2.375 tỷ đồng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hậu Giang đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Lê Viết Quyền - Giám đốc Agribank chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Các biện pháp hỗ trợ được Agribank triển khai đồng bộ, sâu rộng, đảm bảo nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng vốn vay ưu đãi từ Agribank, từ đó hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với chính sách lãi suất ưu đãi...

Theo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 1.399 tỷ đồng. Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chi nhánh đã cơ cấu lại nợ cho 29 khách hàng với dư nợ 1 tỷ đồng. Theo đó, để tiếp sức cùng người dân, khách hàng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, chi nhánh đã thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng trên tổng dư nợ là 1.200 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hậu Giang, tổng dư nợ cho vay các chương trình đến nay đạt 6.600 tỷ đồng, trong đó những tháng đầu năm dư nợ cho vay tăng 200 tỷ đồng. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, chi nhánh vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục để phục vụ khách hàng và đã có những chính sách giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh, để góp phần cho khách hàng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Bên cạnh các ngân hàng thương mại cổ phần có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và sử dụng lao động, cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Từ nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thật sự thiết thực, giúp nhiều người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguồn tiền hỗ trợ lương cho người lao động ngừng việc do dịch COVID-19.

Từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm động lực, nguồn vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất. Hiện nay, chi nhánh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến từng doanh nghiệp về chính sách tín dụng này để doanh nghiệp nắm chi tiết hơn, tiếp tục giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên

Trong thời gian qua, dư nợ tín dụng trên địa bàn, các ngân hàng đều bám sát định hướng của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, một số kết quả thực hiện đạt được như cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ đạt 2.222 tỷ đồng, tăng trưởng 16,70% so với cuối năm 2020; cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ 3.435 tỷ đồng, tăng trưởng 9,67% so với cuối năm 2020, với 1.354 hộ dân và 9 doanh nghiệp còn dư nợ. Cho vay xây dựng nông thôn mới toàn địa bàn dư nợ 11.131 tỷ đồng, tăng trưởng 13,74% so với cuối năm 2020, với 122.820 hộ dân và 151 doanh nghiệp, 25 hợp tác xã còn dư nợ…

Trong những tháng còn lại của năm 2021, toàn ngành Ngân hàng tỉnh Hậu Giang tiếp tục đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ với những khó khăn của người dân và khách hàng. Ông Hồ La Thành - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, cho biết: NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của Chính phủ, ngành Ngân hàng về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thu mua tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo góp phần tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.