Ví điện tử ráo riết xác thực danh tính người dùng

Theo Minh Phương/thoibaonganhang.vn

Hàng loạt các ví điện tử đang phát đi thông báo yêu cầu người dùng bổ sung thông tin cá nhân để xác thực tài khoản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sở dĩ như vậy là bởi Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải rà soát hồ sơ khách hàng mở ví điện tử được mở trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành và thực hiện thu thập bổ sung các thông tin, tài liệu của khách hàng, xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử theo quy định tại thông tư này trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (tức ngày 7/7/2020). Sau 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải chấm dứt cung ứng dịch vụ đối với khách hàng sử dụng ví điện tử chưa thực hiện cung cấp đủ hồ sơ mở ví điện tử theo quy định.

Thông tin mà chủ sở hữu ví điện tử cần phải cung cấp gồm: ảnh chụp mặt trước và sau chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn cho các đơn vị quản lý ví điện tử để hoàn tất thủ tục xác thực tài khoản.

Ví điện tử MoMo một trong những đơn vị đi đầu trong việc tuyên truyền xác thực thông tin người dùng ví rộng rãi ra xã hội và yêu cầu xác thực mỗi khi người dùng ví điện tử bật ứng dụng MoMo lên chuẩn bị thanh toán bằng bốn bước: Đăng nhập ví điện tử MoMo, chọn icon “Ví của tôi” (góc phải, bên dưới); chọn thiết lập, xác thực tài khoản, chọn xác thực để bắt đầu; chọn loại giấy tờ để xác thực (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu) và chụp ảnh mặt trước và mặt sau còn thời hạn.

Việt Nam hiện có 29 ví điện tử thuộc các tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng. Việc xác thực này sẽ làm tăng tính bảo mật cho người dùng ví điện tử và các công ty cung ứng ví điện tử phải cam kết chỉ sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng vào mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của người chủ tài khoản ví điện tử và các nhà cung ứng ví điện tử không được cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bên thứ ba. Một lãnh đạo cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN cho biết, nếu có sự tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng ví các ví điện tử sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc hoàn tất xác thực thông tin người dùng đã hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. Theo quy định của NHNN, sau ngày 7/7, những tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa dịch vụ. Chủ sở hữu ví điện tử có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn tất việc xác thực. Tiền trong ví điện tử của người dùng được bảo toàn, hoặc dễ dàng rút về tài khoản ngân hàng liên kết bất kỳ lúc nào.

“Chúng tôi đánh giá quy định này phù hợp với thông lệ chung của thế giới. Việc xác thực thông tin giúp bảo vệ quyền lợi của người dùng cũng như phục vụ công tác phòng chống tội phạm, phòng chống rửa tiền của Nhà nước”, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo nhận định và cho biết thêm: Yếu tố bảo mật luôn được Ví điện tử này đặt lên hàng đầu. Đây là quy định của NHNN – đơn vị chủ quản Ví điện tử, thông tin người dùng cung cấp sẽ được bảo mật theo chính sách quyền riêng tư của Ví MoMo. Chi sử dụng được để xác minh tính chính danh của tài khoản, cung cấp dịch vụ, tính năng, chương trình khuyến mại. Đặc biệt, tăng cường bảo mật, hỗ trợ khi người dùng yêu cầu và các mục đích liên quan đến pháp lý.

Theo Thông tư 23/2019/TT-NHNN, đối với ví điện tử của cá nhân, cá nhân là người Việt Nam phải cung cấp những thông tin gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp. Còn đối với cá nhân là người nước ngoài, thông tin gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh (nếu có).

Đối với ví điện tử của tổ chức sử dụng phải xác thực tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; mã số doanh nghiệp và mã số thuế (nếu tổ chức có mã số thuế khác mã số doanh nghiệp); địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch; số điện thoại. Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức mở ví điện tử xác thực tương tự như cá nhân mở ví.

Thông tư 23 cũng yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có các quy định và điều khoản về việc đăng ký mở và sử dụng ví điện tử và phải công khai cho khách hàng biết trước khi đăng ký mở ví điện tử. Ngoài những thông tin theo quy định đối với cá nhân và tổ chức như đã nêu ở trên, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được bổ sung thêm những thông tin khác phù hợp với từng đối tượng khách hàng và phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng phải thông báo rõ và hướng dẫn cụ thể cho khách hàng biết.

Có lo ngại người dùng ví điện tử xác thực thông tin cá nhân ngụy tạo bằng cách chụp chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người khác đưa lên, thậm chí có thể quay video mặt người giả làm chủ tài khoản ví điện tử để đối phó. Tuy nhiên theo ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ, Công ty cổ phần FPT cho biết, không nên có lo ngại đó, do mọi quy trình xác thực từ xa danh tính cá nhân trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đều có yêu cầu bước cuối cùng là chụp hình trực tiếp mặt người chủ tài khoản hoặc quay video trực tuyến. Trong quá trình trực tiếp hình ảnh chủ tài khoản này hệ thông công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đã ghi nhận và phân tích bằng sinh trắc học với các bước xác thực mống mắt, khuôn mặt người trực tiếp nên dù có dùng hồ sơ giấy tờ giả mạo thì cũng không vượt qua được bước cuối cùng livestream trực tuyến.