Vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực ngân hàng?

Theo Hoàng Oanh/baodauthau.vn

Mở cửa cho dòng vốn ngoại là giải pháp được nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính tính đến trong bối cảnh nhu cầu tăng vốn đang trở nên cấp thiết. Nếu hàng rào với dòng vốn này được hạ thấp, dự báo lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ đón làn sóng vốn ngoại mới trong thời gian tới.

Vietcombank tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 37,1 nghìn tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác ngoại. Ảnh: Việt Trần
Vietcombank tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 37,1 nghìn tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác ngoại. Ảnh: Việt Trần

Nhà đầu tư ngoại nôn nóng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố chính thức tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 37,1 nghìn tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC Private Limited - quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và Mizuho Bank của Nhật Bản. Đến nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông Nhà nước tại ngân hàng này là 74,8%. Hầu hết các ngân hàng còn dư địa cho vốn ngoại đều tính đến giải pháp bán bớt cổ phần cho các đối tác nước ngoài.

Ở góc khác của thị trường, các cuộc làm việc của lãnh đạo ngân hàng ngoại với các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ cũng thường xuyên hơn và một nội dung luôn được đề cập là tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại các ngân hàng Việt Nam.

Tháng 10/2018, trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Eiichi Yoshikawa, Phó Chủ tịch Ngân hàng MUFG thẳng thắn đề cập: "Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 1920 và chúng tôi muốn nâng tỷ lệ góp vốn vào VietinBank lên 50% vốn điều lệ". Hiện nay, MUFG đang là cổ đông chiến lược của VietinBank với tỷ lệ cổ phần sở hữu là 19,73% vốn điều lệ.

Ngày 22/2/2019 vừa qua, đề xuất này được nhắc lại khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG. “Là cổ đông chiến lược của VietinBank, MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh và việc này hết sức cấp thiết, mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ”, ông Kanetsugu nhấn mạnh.

Từ phía nhà đầu tư tổ chức, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, đã nhiều lần đề xuất nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài để tăng sức phát triển cho lĩnh vực ngân hàng. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, vị chủ tịch này một lần nữa nhắc lại đề xuất trên với nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn theo Basel II, Chính phủ có thể cho phép nới room ngoại tại các nhà băng từ 30 lên 49%”. 

Chính sách mở cửa dần dần

Dù chậm hơn kỳ vọng của giới đầu tư, song cơ cấu sở hữu tại các ngân hàng trong thời gian qua đã có sự cải thiện cùng với sự thay đổi về khuôn khổ pháp lý và các chính sách tích cực của Chính phủ.

Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 cho phép hoạt động sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp để tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%.

Sự nôn nóng của nhà đầu tư ngoại cùng những nội dung cởi mở hơn về sở hữu của cổ đông nước ngoài tại các chính sách nói trên được dự báo sẽ kéo dòng vốn nước ngoài mới vào thị trường ngân hàng Việt Nam.

Bình luận về điều này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, xu hướng vốn ngoại vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất tích cực nhờ rất nhiều yếu tố hỗ trợ.

Trước hết, tiềm năng phát triển của thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối lớn xét về mức độ phát triển của thị trường ngân hàng, thị trường vốn và số người dân có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng hiện vẫn ở mức tương đối hấp dẫn trong so sánh với các nước khác. Do đó, các khoản đầu tư này không quá lớn so với năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, mà rủi ro cũng không quá lớn.

Thêm vào đó, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam cũng chú trọng phát triển thị trường tài chính - ngân hàng với các chính sách cởi mở hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Thị trường ngân hàng thời gian qua đã trưởng thành hơn rất nhiều. Lộ trình tiếp theo được Chính phủ đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng là thận trọng và phù hợp xét về mặt đón nhận dòng vốn nước ngoài”, ông Lực nhấn mạnh.