2014 chính sách đúng, vẫn có rủi ro

TS. Lê Thẩm Dương - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Năm 2014, mặc dù đã có nhiều yếu tố ổn định về vĩ mô, nhưng trong ngắn, trung và dài hạn vẫn còn nhiều khó khăn nên nền kinh tế lẫn doanh nghiệp sẽ tiến triển theo đồ thị nằm ngang. Vậy giải pháp cơ chế chính sách đến các doanh nghiệp phải làm gì?

2014 chính sách đúng, vẫn có rủi ro
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vừa đột phá, vừa tái cấu trúc

Nếu như nhìn nhận ở góc độ lạc quan, năm 2014 so với các năm 2011, 2012, 2013 sẽ khả quan hơn bởi những tác nhân trước đó gây ảnh hưởng không lường được đối với nền kinh tế là lãi suất, tỷ giá và vàng đã được chốt chặn.

Có được kết quả này do Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện kiểm soát lạm phát chủ động, lạm phát mục tiêu, đưa NHNN về đúng bản chất của mình. Năm 2013, NHNN đã ở thế chủ động, nên kiểm soát không ít nguy cơ, bởi chỉ cần điều chỉnh nhẹ là lạm phát lên ngay. Dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao, ngoài kiều hối là 11 tỷ USD, lãi suất USD giảm nên doanh nghiệp có thể có niềm tin nhất định.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP, nên lượng vốn doanh nghiệp cần sẽ có. Riêng tín dụng có thể NHNN sẽ quyết định tăng trưởng khoảng 14%. Như vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn được cung cấp vốn, nhưng vấn đề là tính chủ động về vốn, doanh nghiệp có được vay hay không? Do đó, doanh nghiệp phải tập trung đúng chiến lược kinh doanh định sẵn để dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, quan ngại hiện nay trong 3 đột phá chiến lược. Một là đột phá về nhân lực. Hai là hạ tầng, đặc biệt hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông. Ba là đẩy nhanh cơ chế thị trường. Bởi 2/3 nguồn lực của nước ta dồn cho các doanh nghiệp quốc doanh mà doanh nghiệp này đang kéo lui nền kinh tế, nếu như không đẩy mạnh thị trường sẽ gay go, dù có tái cơ cấu xong còn 3.000 doanh nghiệp cũng phải đẩy qua thị trường.

Về trung hạn, nền kinh tế có 3 lĩnh vực cần tái cơ cấu nhưng năm 2013 chỉ mới tái cơ cấu ngân hafg thương mại, 2 lĩnh vực nợ công và doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa làm được. Mục tiêu trung hạn chỉ thực sự khá hơn khi tái cấu trúc nợ công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thực sự tiến triển. Như vậy, năm 2014 về vĩ mô, Việt Nam sẽ phát triển theo hướng vừa đột phá vừa tái cấu trúc, tức là giải pháp trung hạn và dài hạn thực hiện xen kẽ với nhau.

Vấn đề kém nhất trong năm 2014 là ngắn hạn. Đó là phải giải quyết các vấn đề bất động sản đóng băng, tồn kho hàng hóa vẫn tiếp tục tăng, nợ xấu chưa giảm được, niềm tin của doanh nghiệp chưa phục hồi. 4 vấn đề này chưa vực dậy được sẽ khó giải quyết được khó khăn chung cho nền kinh tế.

Mới đây, Nghị quyết của Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong 2 năm tới (2 năm cuối của kế hoạch 5 năm 2011-2015), cần phải tập trung củng cố cả 3 mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để khi bước sang kế hoạch 5 năm tiếp theo, chúng ta mới có “sân bay” để Việt Nam cất cánh được.

Doanh nghiệp vừa công, vừa thủ

Nói như vậy để thấy, điểm sáng hoàn toàn có nhưng điểm tối vẫn còn và cần có những giải pháp tháo gỡ phù hợp. Theo tôi, trong 2 năm 2014 và 2015, kể cả quốc gia chứ không chỉ doanh nghiệp, vẫn giữ đồ thị phát triển nằm ngang trừ những doanh nghiệp có cơ hội.

Năm 2014, nếu đặt ra câu hỏi, kinh doanh ngành nào sẽ có cơ hội rất khó trả lời. Tuy nhiên, có thể dựa trên một số nguyên tắc để hướng đến những ngành tốt. Thứ nhất, ngành đó phải có cầu.

Thứ hai, phải chú ý đến tuổi của cầu, như ngành bất động sản “chết như rạ” ở phân khúc nhà chung cư cao cấp bởi nhu cầu chỉ chớp nhoáng trong thời gian nhiều người thắng chứng khoán, các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng.

Thứ ba, kinh doanh trong tầm chịu đựng của mình, đừng phát triển nóng. Thứ tư, ý tưởng phải nằm trong thế mạnh của mình, từ đó doanh nghiệp mới có thể phát triển ổn định. Từ sự ổn định đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.

Với vấn đề vĩ mô, hiện định hướng chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đưa ra là đúng. Năm 2014, chúng ta chấp nhận lạm phát 7%, GDP dưới 6%, 2 năm tới giữ thăng bằng và củng cố lại chất lượng phát triển. Song vấn đề là có làm hay không.

Hiện rủi ro về chính sách, rủi ro khủng hoảng đã giảm xuống, tuy nhiên không thể nói là không còn rủi ro nên các doanh nghiệp phải vừa công vừa thủ để đứng vững. Trước đây, khó khăn về chính sách cùng với sự suy thoái của sản phẩm, buộc các doanh nghiệp phải hướng đến đầu tư ngoài ngành, hiện nay xu hướng co cụm lại ngành nghề kinh doanh chính.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể tính đến những ý tưởng kinh doanh đa ngành trong phạm vi ngành nghề cốt lõi. Thí dụ, doanh nghiệp dầu khí có thể mở rộng kinh doanh taxi sẽ hợp lý, còn nếu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản hay ngân hàng thì không nên.