Áp lực mới

Theo số liệu của Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2012 đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 11,9% so với mức tăng 16,2% năm 2011. Xét thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng có hiệu lực, Prudential đứng đầu với 34,3% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ hai với 29,6% thị phần, tiếp đến là Manulife 12,4%, AIA 7,6%, Dai-ichi 7,5%, ACE 5,5%.

Năm 2012 cũng chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các DN bảo hiểm nhân thọ nhằm gia tăng thị phần doanh thu khai thác mới. Tổng doanh thu khai thác mới cả năm 2012 ước đạt 5.208 tỷ đồng (trong đó hợp đồng bảo hiểm chính đạt 4.808 tỷ đồng), tăng 12,9%. Trong nhóm dẫn đầu, Bảo Việt Nhân thọ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới cao nhất, ước đạt khoảng 26,5%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường là 13,3%, nhờ đó thị phần doanh thu khai thác mới của Bảo Việt Nhân thọ tăng từ 22,3% năm 2011 lên 23,4% năm 2012...

Diễn biến năm 2012 cho thấy nhu cầu bảo hiểm nhân thọ của người dân suy giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Điều này tiếp tục tạo nên những áp lực mới cho năm 2013 khi mà dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, tăng trưởng chưa bền vững do tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, sự hồi phục của DN và gia tăng sức cầu thị trường có thể diễn ra chậm hơn kỳ vọng. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát tăng trở lại vẫn còn lớn do tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ cộng với giá lương thực, thực phẩm, giá điện nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục có thể tiếp tục bị điều chỉnh tăng...

Tâm điểm mới

Tâm điểm mới trên thị trường bảo hiểm nhân thọ là Đề án thí điểm triển khai mô hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang được Bộ Tài chính phối hợp với các bên tham gia xây dựng. Đây sẽ là nhân tố tích cực đối với sự phát triển dài hạn của thị trường bảo hiểm nhân thọ, mở ra cơ hội lớn cho các DN với việc cho ra đời những sản phẩm mới có liên quan. Dự kiến, đề án này có thể thực hiện từ ngày 1/7/2013, các DN bảo hiểm sẽ được triển khai có điều kiện và làm thí điểm từng bước một.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã hoàn tất quy định về việc thành lập quỹ mở cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để các DN bảo hiểm nhân thọ đẩy nhanh quá trình thành lập công ty quản lý quỹ của riêng mình. Được biết, đã có ít nhất hai DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ trong năm nay. Ngoài ra, một tâm điểm mới khác được dự báo sẽ giúp cho thị trường bảo hiểm thêm sôi động là phân khúc bảo hiểm nhóm.

Năm 2012, các quy định về chi phí cho DN mua bảo hiểm cho nhân viên được gỡ bỏ. Dự kiến, trong năm 2013, quy định về thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên được mua bảo hiểm cũng sẽ thay đổi theo hướng mở, nhân viên được công ty mua bảo hiểm chỉ bị đánh thuế khi nhận quyền lợi chi trả. Điều này hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi cho phân khúc bảo hiểm nhóm trong tương lai gần.

Chuyển động mới

Những động thái mới của nhà đầu tư ngoại cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn còn đang rất hấp dẫn. Đáng kể nhất là sự xuất hiện của Sumitomo Life đến từ Nhật Bản khi quyết định trở thành đối tác của thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam là Bảo Việt nhằm tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường mới. Đại diện Sumitomo Life cũng không ngần ngại tiết lộ kế hoạch tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đang được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh sau này để từng bước nâng cao thị phần bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Mới đây, Generali Việt Nam đã tăng vốn điều lệ từ 720 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn điều lệ lần thứ ba của Generali Việt Nam kể từ khi Công ty chính thức hoạt động tại Việt Nam vào tháng 4/2011. Bước vào năm 2013, Generali Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng mô hình chú trọng chất lượng hỗ trợ cho đội ngũ đại lý nhưng ở quy mô lớn hơn để xây dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Công ty cũng đã có kế hoạch mở rộng hoạt động ra Hà Nội trong năm 2013.

Trong khi đó, AIA Việt Nam cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 30 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam lên 100 triệu USD. Mới đây nhất, ngày 12/3/2013, Công ty PVI Sun Life đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động cũng góp phần tạo thêm sức ép cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Chiến lược mới

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hiện các DN bảo hiểm đang có những bước đi mới, thậm chí là chiến lược mới. Theo đó, các DN tập trung “làm mới” sản phẩm bằng cách tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ các chi phí y tế và giáo dục phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng; phát triển mạng lưới hệ thống ra nhiều tỉnh/thành, trong đó có xu hướng phát triển ra thị trường phía Bắc. Bên cạnh đó, các DN cũng đẩy mạnh các kênh mới như bancassurance.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Quang Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt nhấn mạnh: “Trong giai đoạn 2013 - 2015, cần tập trung tạo sự chuyển biến mạnh trong tăng trưởng doanh thu và hiệu quả; khẳng định sự chuyên nghiệp và hợp tác nội bộ mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu và chất lượng dịch vụ hàng đầu Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; trở thành một Tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực”.

Trong năm 2013, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên sẽ tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối mới; chú trọng mở rộng phát triển thị trường; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tập trung; tăng cường năng lực tài chính cho các đơn vị để nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2013

4 điểm mới trên thị trường bảo hiểm nhân thọ

Hồ Xuân Trường

(Tài chính) Năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ của người dân có xu hướng giảm. Dù dự báo mức tăng trưởng khá khiêm tốn, song thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn sẽ sôi động khi có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) bảo hiểm quyết định tăng vốn, mở rộng quy mô, phát triển chiến lược kinh doanh.

Xem thêm

Video nổi bật