Ai tính giá phải trả cho tái cơ cấu?

TS. LÊ XUÂN BÁ - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

(Tài chính) Tháng cuối năm, các tổ chức trong nước và quốc tế đưa ra các báo cáo tình hình kinh tế năm 2013 và dự báo triển vọng năm 2014.

Chúng ta phải chấp nhận trả giá trong việc tái cơ cấu. Nguồn: internet
Chúng ta phải chấp nhận trả giá trong việc tái cơ cấu. Nguồn: internet
Hầu hết các báo cáo đều điểm về tình hình thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, nhắc tới việc tái cơ cấu nền kinh tế và đưa ra nhận xét là chậm. Tái cơ cấu chậm được nói nhiều song cũng cần lưu ý: Chính sách hỗ trợ người nghèo rất tốt, nhưng mặt trái của nó cũng tạo nên sự ỷ lại của người dân, thậm chí cả quan chức.

Tại không ít địa phương, Bí thư, Chủ tịch khi đặt vấn đề phát triển, câu đầu tiên là "khó khăn lắm, đề nghị Trung ương hỗ trợ". Chủ tịch huyện Mường Tè (Lai Châu) từng nói: "Bình thường không thấy người dân, nhưng mỗi khi có trợ cấp, không cần gõ kẻng họ vẫn tự động đến".

Việt Nam muốn tái cơ cấu hiệu quả phải chấp nhận trả giá. Rất tiếc là đến bây giờ, ngoài một vài ý kiến tại các hội nghị, hội thảo, chưa thấy ai nói đến việc Việt Nam phải tính toán giá phải trả để thực hiện tái cơ cấu. Chúng ta muốn được tất cả nhưng không muốn mất cái gì, điều này không thể làm được.

Tái cơ cấu, chúng ta phải chấp nhận trả giá, tái cơ cấu càng nhanh, giá phải trả càng phải lớn. Nhưng vấn đề cơ bản là cần phải tính toán đến sức chịu đựng của nền kinh tế, sức chịu đựng của xã hội để đưa ra những cái giá phù hợp.

Chúng ta cần những tính toán đó song song với việc chỉ rõ đề án của Chính phủ trình ra chưa tốt, các ngành, các địa phương chưa chủ động tích cực, thậm chí cho rằng cứ để cho các tập đoàn, doanh nghiệp tự xây dựng đề án tái cơ cấu...

Các chính sách đề ra cho năm 2014 không mới nhưng quan trọng là phải nhấn mạnh đến chính sách tiền tệ phải linh hoạt, trong đó quan trọng nhất là nợ xấu. Chúng ta đã có công ty quản lý nợ kiểu VAMC nhưng chưa ăn thua.

Chính sách tài khóa có thể chặt chẽ nhưng cần linh hoạt, thu ngân sách phải thu đúng, thu đủ và quan trọng hơn là hạn chế chi tràn lan mà tập trung chi vào những lĩnh vực có hiệu quả. Các chính sách thương mại, thu hút đầu tư cũng cần được nghiên cứu sâu hơn.

Chúng ta cần chú trọng hiệu quả, đừng đơn giản là kiếm tiền ném vào nền kinh tế, dù đó là việc làm tốt. Với Việt Nam, cái quan trọng nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đến giờ phút này, Việt Nam vẫn loay hoay với cải cách DNNN, thậm chí có người đã phải nói, DNNN đang chiếm khoảng 30 - 33% GDP, nên cố gắng kéo xuống 15 - 20%, sau đó kéo xuống nữa sẽ tốt cho nền kinh tế.

Năm 2013, mức độ tác động giá cả từ việc tăng lương, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu có giảm nhưng nhìn chung vẫn khá lớn. Nhìn lại, nếu chúng ta thả giá cả theo cơ chế thị trường ngay từ khi đổi mới 1986, bây giờ thị trường đã tốt hơn. Các nhà quản lý, các nhà khoa học không phải bản thảo về vấn đề giá cả thị trường, người dân không phải có ý kiến mỗi khi tăng giá điện, giá nước.

Năm 2014, nếu lương tăng 10%, giá điện tăng trung bình 11%, giá dịch vụ y tế tăng 20%... sẽ tác động tới giá cả chung và giá các nhóm hàng hóa khác như thế nào? Điều này sẽ tác động thế nào đến thay đổi lạm phát và toàn nền kinh tế?

Năm 2015 và xa hơn một chút đến năm 2018, Việt Nam phải là một nền kinh tế thị trường. Nhà nước cần chuẩn bị tâm lý cho người dân về giá cả thị trường. Nếu vấn đề này không sớm giải quyết, sẽ ngày càng tích tụ thì giá phải trả sẽ càng lớn.

Một vấn đề nữa, Việt Nam cải cách trong trước mắt hay trung hạn và dài hạn? Điều này cũng đã được tranh luận rất nhiều, không ai nói là chỉ thiên về dài hạn và bỏ trước mắt, nhưng nếu chỉ loay hoay với cái ngắn hạn thì không thể có cái dài hạn được.

Chúng ta phải kết hợp ngắn hạn với dài hạn và sự kết hợp đó không chỉ dùng trong quá trình tái cơ cấu mà nó còn phải thể hiện được nghệ thuật điều hành của Chính phủ để đạt được mục đích. Tránh tình trạng, cùng một sự việc, ông A xử lý khác, ông B xử lý khác và cho kết quả khác nhau.

Chính sách phát triển đi liền với tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, khi thực hiện chính sách, cần phân tích tác động của nó cho kỹ để đạt hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế.

Tái cơ cấu, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều làm. Chúng ta vẫn nghĩ tái cơ cấu là cái gì đó rất lớn, trong khi thực tế nó không có điểm đầu cũng không có điểm cuối. Tái cơ cấu ở Việt Nam thực chất đã làm từ rất lâu, không phải sáng kiến từ Đại hội XI mà chúng ta đã làm từ Đại hội III, khi thực hiện khoán nông nghiệp.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát phải được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đồng thời phải tập trung làm tốt ba khâu đột phá về chiến lược (tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; và tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới), trong đó cần nhấn mạnh vấn đề thể chế. Đó là ba 3 vấn đề trọng điểm, nếu tới đây chúng ta vẫn không làm, nền kinh tế khó có thể phát triển bền vững.