Áp lực tăng giá xăng, dầu

Huy Hiếu

(Taichinh) - Nếu giá xăng, dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam sẽ phải điều chỉnh tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá thế giới tăng cao

Giá dầu thô thế giới trong vòng hơn 10 ngày nay vẫn nhích tăng và xoay quanh trên 60 USD/thùng. Còn giá xăng dầu thành phẩm thì biến động ở mức cao hơn, trên 80 USD/thùng (tại thị trường Singapore, tính đến hôm 18/5).

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Nếu giá thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ sẽ phải điều chỉnh tăng trong bối cảnh quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dần cạn kiệt, không cho phép tăng mức trích quỹ bù đắp cho doanh nghiệp".

Được biết, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu ở thời điểm hết quý I/2015 còn tồn 2.843 tỉ đồng, giảm hơn 1.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2014. Đại diện một đầu mối phía Nam cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá cơ sở của xăng hiện cao hơn giá bán lẻ 1.800 đồng/lít. Mặt hàng xăng đang được cơ quan chức năng cho phép sử dụng từ quỹ bình ổn giá 1.427 đồng/lít nên tính ra, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn đang lỗ hơn 300 đồng/lít.

Điều chỉnh giá có tác động mạnh?

Trước đây, mỗi khi giá xăng dầu tăng đã tác động mạnh đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó biểu hiện rõ rệt nhất là giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng theo. Tuy nhiên, khảo sát những năm gần đây cho thấy, xu thế này đã thay đổi.

Sau đợt tăng giá xăng dầu gần đây nhất, giá hàng thiết yếu trên thị trường Hà Nội vẫn bình ổn. Ở các chợ dân sinh tại Hà Nội như: chợ Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Thành Công (quận Đống Đa), chợ Châu Long (quận Ba Đình), chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng)…, thời điểm này, lượng hàng về chợ dồi dào, chất lượng tốt, giá cả ổn định.

Các chuyên gia nhận định, các năm trước, khoảng mười ngày sau khi xăng dầu tăng giá, trên thị trường thiết lập một mặt bằng giá mới, như phản ứng dây chuyền nhưng hiện nay có thể xu thế tiêu dùng của người dân đã thay đổi so với trước kia. Kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng tính toán kỹ hơn trong chi tiêu, thắt chặt hầu bao với những khoản chi không cần thiết. Bởi vậy, nhiều năm nay, giá cả hàng hóa đứng ở mức ổn định, không tăng giá bất thường.