Bài toán ngân hàng thương mại: Hạn chế nợ xấu mới

TS. BÙI KIẾN THÀNH

(Tài chính) Mặc dù ngành ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp giải quyết nợ xấu, thế nhưng đến tháng 6/2014 nợ xấu vẫn có thể tiếp tục sẽ phình ra.

 Bài toán ngân hàng thương mại: Hạn chế nợ xấu mới
Thực tế nhiều năm qua, rất nhiều ngân hàng không khai báo đầy đủ nợ xấu. Nguồn: internet

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hoãn áp dụng Thông tư 02 về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại (NHTM) đến 1/6/2014. Như vậy chỉ còn khoảng sáu tháng nữa, thông tư lại sẽ có hiệu lực. Việc này khiến nhiều ngân hàng lo ngại lợi nhuận giảm đi khi rất nhiều khoản nợ buộc phải trích lập dự phòng rủi ro.

Làm gì có tiền để trích lập dự phòng rủi ro

Tại sao Thông tư 02 được lùi lại một năm? Vì nếu các NHTM báo cáo đầy đủ nợ xấu của mình, đồng nghĩa với việc phải trích lập dự phòng rủi ro cho từng khoản nợ đó… Chẳng hạn chỉ cần nợ trễ hạn 90 ngày thì NHTM phải bỏ ra 5% tiền mặt để trích lập dự phòng rủi ro. Hay nếu nợ trễ hạn 360 ngày thì con số phải trích lập là 50%. Câu hỏi đặt ra lúc này là NHTM lấy tiền đâu để trích lập vì làm gì có tiền để trích lập quỹ.

Thực tế nhiều năm qua, rất nhiều ngân hàng không khai báo đầy đủ nợ xấu, đúng hơn họ giấu nợ để không phải trích lập. Mà như thế có nghĩa nợ xấu không được chính thức hóa. Chỉ khi nào NHTM thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro nghiêm túc thì con số nợ xấu mới là con số thực sự. Tuy nhiên, trong tình hình này, nếu trích lập đầy đủ như quy định thì nhiều ngân hàng có thể sẽ phải phá sản.

Bởi nợ xấu thực của NHTM dường như đang đầm đìa khắp nơi. Nếu trích lập dự phòng rủi ro theo quy định thì NHTM sẽ không còn vốn để hoạt động. Mà không còn vốn hoạt động thì phải khai tử mà thôi. Đáng lý những NHTM nào không thể nào giải quyết được vấn đề về vốn, về nợ xấu thì nên khai tử. Nhưng nếu khai tử thì làm sao giải quyết được nợ xấu của nó? Ai chịu trách nhiệm nó không trả tiền được cho chủ tài khoản và bán nợ thì ai mua?

“Anh nhận của người ta 50.000 tỉ đồng, anh cho vay đi 30.000 tỉ đồng. Còn lại anh không trả được vậy những gì anh trả lại bị âm rồi và chủ tài khoản mất tiền. Và thị trường tài chính hỗn loạn”. Vì không muốn tình trạng này xảy ra nên chúng ta đã chọn giải pháp thành lập công ty mua bán nợ (VAMC) để làm sạch nợ trong bản cân đối tài chính của NHTM. Khi sạch nợ NHTM sẽ được cho vay tiếp và sẽ được bơm vốn từ NHNN. Đặc biệt, khi nợ xấu chuyển qua VAMC, doanh nghiệp có nợ xấu trước đây sẽ được đi vay.

Không nên cho thêm dầu vào lửa

VAMC ra đời đã giúp NHTM dọn nợ xấu và giúp NHTM có tiền để cho vay tiếp. Điều này có nghĩa VAMC ra đời đã tránh cho một số NHTM bị phá sản. Tuy nhiên, mục đích cho NHTM hoạt động là để đóng góp vào phát triển hệ thống chứ không phải bơm tiền ra để lại bị cho vay vô tội vạ như trước kia và không khéo sẽ tạo ra bao nhiêu nợ xấu nữa. Như thế chẳng khác nào là cho thêm dầu vào chảo lửa.

Hơn nữa, Việt Nam có tình trạng một số người có trách nhiệm về ngân hàng nhưng không hiểu sâu về hoạt động NH, cuối cùng không làm được việc cần làm là nghiên cứu hiệu quả từng dự án cho vay. Thế nên xảy ra tình trạng mua máy bay trong khi bản thân lại chưa biết lái taxi và điều này rất nguy hiểm. Thế nên không thể dùng mối quan hệ hay phí bôi trơn… để cho vay, điều này chỉ làm nợ xấu ngày một lớn.

Vậy nên vấn đề là phải làm sao hạn chế nợ xấu mới, chúng ta phải có hệ thống giám sát các hoạt động này từ nay đến sắp tới. NHTM sẽ không cho vay như lối cũ mà làm việc có quy củ hơn. Phải tiếp tục quản lý nguồn tiền đi đâu chứ không thể thấy dự án tốt là chuyển liền toàn bộ số tiền cho vay như trước đây. Cái nguy hiểm của nhiều NHTM trong mấy năm qua là mở một cái tài khoản rồi chuyển hết tiền vào mà thoải mái hưởng lãi suất.

Tuy nhiên, gần đây lại có tình trạng NHTM mở hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhưng muốn giải ngân lại rất khó. Vậy nên ngoài việc kiểm tra dòng tiền được sử dụng đúng mục đích và NHTM vẫn phải chịu khó lắng nghe doanh nghiệp.

“Việc mua bán, sáp nhập ngân hàng là điều tốt nhưng một vấn đề khác được đặt ra là bản thân những người mua sau khi ôm một đống nợ xấu ấy có đủ khả năng để giải quyết được không. Đặc biệt làm sao để kiểm tra, kiểm soát hết con số thực nợ xấu của NHTM đó thế nào. Anh có thể dùng 3.000-5.000 tỉ đồng để mua một NH, trong khi nợ xấu lên tới mấy chục ngàn tỉ đồng.”