Bảy bài học từ người láng giềng Singapore

LH

Đảng Nhân dân Hành động (PAP - People's Action Party) không phải là đảng duy nhất tồn tại ở Singapore, nhưng là đảng duy nhất có vị trí lãnh đạo được coi là không thể thay thế đối với sự phát triển của quốc đảo này. Kỳ tổng tuyển cử vừa qua đã cho thấy rõ điều đó.

Singapore đang phấn đấu để trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ lớn nhất thế giới. Nguồn ảnh: internet
Singapore đang phấn đấu để trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ lớn nhất thế giới. Nguồn ảnh: internet

Tại cuộc bầu cử ngày 11/9/2015, Đảng PAP đã thắng áp đảo các đảng đối lập, giành 83 ghế trong tổng số 89 ghế trong quốc hội. Tại sao Đảng PAP lại có thể ngồi trên ghế cầm quyền lâu như thế, kể từ cuộc bầu cử năm 1965 đến nay? Câu hỏi này có thể được lý giải bằng bảy (7) bài học rút ra từ sự lãnh đạo của Đảng do ông Lý Quang Diệu sáng lập và đến nay là Lý Hiển Long – con trai ông – đang tiếp tục.

(1) Bài học về ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Singapore có diện tích nhỏ hơn Hà Nội và nhiều thành phố khác của các nước trong khu vực, dân số cũng chỉ hơn 5 triệu người (kể cả dân nhập cư, du học). Là một đảo quốc không có tài nguyên thiên nhiên gì, thậm chí nước ngọt cũng phải đi mua của Malaysia nhưng họ lại có công nghệ chế tác nước sạch từ nước thải, nước mưa và nước biển rất hiện đại. Đất, cát, sỏi cũng phải mua từ nước ngoài về để làm nguyên vật liệu xây dựng. Họ chỉ có tài sản duy nhất đó là con người, vì vậy họ đặc biệt coi trọng nhân lực, nhân tài. Nhờ có cơ chế đào tạo, đãi ngộ và điều kiện sống, làm việc tốt, Singapore đã thu hút được rất nhiều hiền tài từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây sống và làm việc. Người dân Singapore được đầu tư học hành đến nơi đến chốn, có thể nhìn thấy điều đó trên những gương mặt trẻ sáng láng, thông mình và lịch lãm. Singapore đã lo xa từ bây giờ, họ không tiếc công sức để tạo nên một thế hệ "vàng", một nguồn nhân lực có thể tiếp tục đưa Singapore phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa. Chúng ta có quan điểm: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần có con người xã hội chủ nghĩa”, Singapore cũng có quan điểm tương tự: con người là nhân tố tạo dựng thế giới, là yếu tố quyết định mọi thành bại; Lý Quang Diệu đã khẳng định “Ai chiến thắng trong chiến lược về con người sẽ chiến thắng trong chiến lược về kinh tế”.

Yếu tố được đưa lên hàng đầu: Đất nước chỉ có thể phát triển được nếu biết đầu tư vào nhân tố quan trọng nhất - Con Người.

(2) Bài học về định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Singapore đang phấn đấu để trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ lớn nhất thế giới; Họ đang tự xây dựng thành trung tâm về quản lý vốn và dịch vụ ngân hàng cá nhân. Hiện, Singapore đã là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á, với gần 115.000 người làm việc trong lĩnh vực này. Dựa trên lợi thế về cơ chế luật lệ rộng mở, thông thoáng, minh bạch và việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giao dịch quốc tế, Singapore đã tạo ra một sân chơi tuyệt vời để thu hút giới tài chính quốc tế đổ về kinh doanh, tạo ra một lượng lợi nhuận khổng lồ. Tăng trưởng của Singapore trong các năm qua trung bình đạt trên 10%, luôn vào top cao nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người đạt trung bình hơn 50.000 USD/năm, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo không quá lớn. Tuy thu nhập cao nhưng người dân Singapore nổi tiếng tiết kiệm và trở nên giàu có nhờ biết đầu tư những khoản tiền nhàn rỗi đó. Theo thống kê, có đến 10% người dân Singaporeapor sở hữu 100 triệu USD trở lên.

(3) Bài học về chiến lược kinh doanh. Người Sinh có một chiến lược tăng trưởng thu nhập cực kỳ thông minh, ngoài việc dựa vào điều kiện có bờ biển thuận tiện để du lịch và trung chuyển hàng hóa (Singapore là một trong 05 cảng nhộn nhịp nhất thế giới), họ rất chú trọng phát triển ngành giáo dục, đào tạo dạy nghề, đào tạo đại học và sau đại học, đặc biệt là xây dựng các trung tâm hội nghị quốc tế. Thông qua các hoạt động đó, hàng năm họ có thể thu về hàng chục tỷ USD từ tiền du học sinh, tiền mua sắm của các du khách, các đại biểu đi dự hội nghị và học tập ngắn hạn.

Là một đảo quốc nhưng Singapore không có ngư dân hay nông dân. Toàn bộ nông sản thực phẩm, hải sản đều phải nhập khẩu, nhưng họ không thiếu bất cứ thứ gì. Singapore đã định hướng chiến lược kinh doanh cho mình, đó là đẩy mạnh dịch vụ, làm thương mại. Họ biết rõ bài học “phi thương bất phú”. Dân Singapore hầu hết là những thương gia nên giàu có và nhàn hạ, chỉ cần bán một chiếc điện thoại di động đã bằng một ông nông dân Việt Nam cày bừa - cuốc hái - gieo trồng… để thu được một tấn gạo trong suốt một mùa vụ.

(4) Bài học về chính sách phúc lợi. Do đất chật, người đông nên nhà ở Sing khá đắt. Tại thời điểm này, một căn hộ chung cư với 3 phòng ngủ giá thấp nhất cũng quãng một triệu SGD. Chính phủ không có chính sách trợ cấp thất nghiệp, bù lại, tất cả đều được giải quyết việc làm và được hỗ trợ nhà ở. Nếu hai vợ chồng có thu nhập dưới 8.000 SGD thì được Chính phủ cho vay mua nhà lãi suất thấp, chỉ quãng 2,5%/năm với thời hạn lâu dài, thậm chí tới 30 năm. Khác với dân ta, người dân Singapore rất vui mừng nếu nhà ở của họ được vào diện di dời và tái định cư, khi đó, thời hạn sở hữu nhà lại được gia tăng, tính từ khi về nhà mới (người dân Singapore được quyền sở hữu nhà với thời hạn tới 99 năm). Dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao ở Sinh khá đắt đỏ, nhưng là đắt sắt ra miếng. Singapore không duy trì chế độ hai giá, không ưu đãi giá cho riêng người dân Singapore, nhưng người dân Singapore rất tin tưởng sử dụng dịch vụ của mình, họ biết đó là dịch vụ chất lượng và tiện ích. Không chỉ họ mà rất nhiều người trên khắp thế giới đã đổ về đây mua dịch vụ giáo dục và y tế của họ.

(5) Bài học về quy hoạch đô thị. Thế giới gọi Singapore là công viên trong thành phố nhưng đúng ra phải gọi Singapore là thành phố trong công viên. Thành phố được quy hoạch đến từng xăng ti mét, từng khu vực đều được bài trí như một bức tranh mỹ thuật. Có một điều khá thú vị, Thủ tướng Lý Quang Diệu sau khi đến thăm quan Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, nhìn thấy con đường Cổ Ngư (Đường Thanh Niên bây giờ) với những hàng cây xanh mướt, đã mang chính mô hình cây xanh ở Việt Nam về áp dụng. Singapore có cả một Bộ Công viên cây xanh, chuyên trồng trọt, thiết kế và chăm sóc cảnh quan thiên nhiên, cây cối của thành phố. Họ hiểu sâu sắc rằng, cây xanh là môi trường sống còn của họ, chính vì vậy mà bây giờ đất nước họ xanh, sạch và đẹp hơn hẳn chúng ta. Điều này chúng ta cần phải quay lại học tập họ.

Đất Singapore chật nhưng quang cảnh cực kỳ thoáng mát vì người dân hầu hết đều sống ở các chung cư cao tầng, không có cảnh nhà chen chúc trên mặt đường, đường chưa mở nhà đã họp như ở ta. Mặt đường được tận dụng triệt để cho kinh doanh và văn phòng. Cảnh Singapore ban ngày đã đẹp, về đêm lại càng rực rỡ. Chính phủ đã tạo dựng cho người dân một cảnh quan, một môi trường sống lý tưởng để phát triển.

(6) Bài học về xây dựng chính phủ điện tử. Singapore có thể phát triển nhanh như thế là nhờ có những người lãnh đạo thông minh, sáng suốt, xuất chúng như Lý Quang Diệu và thế hệ các cộng sự của ông. Những người lãnh đạo sớm biết sâu sắc hơn bất cứ ai về sự nguy hiểm của tham nhũng, không chống được tham nhũng thì mọi mục tiêu phát triển sẽ trở thành vô nghĩa. Một điều quan trọng không kém là: nếu muốn đất nước phát triển phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người dân và thi hành pháp luật nghiêm minh… và muốn làm được như vậy cần phải có một chính phủ hiện đại, một chính phủ liêm khiết. Singapore đã duy trì được hệ thống chính phủ điện tử ở mức độ cao. Mọi hoạt động của người dân liên quan đến bộ máy công quyền, mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua hệ thống điện tử tự động từ trên xuống dưới. Điều này giảm thiểu đến mức thấp nhất chi phí và các hành vi tham nhũng, hối lộ. Chính vì vậy, dù là nước đa đảng nhưng đảng PAP đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử, nhờ có được niềm tin vững chắc của người dân vào sự minh bạch và liêm khiết.

(7) Bài học về xây dựng tính tự giác. Bài học đặt cuối cùng nhưng là ấn tượng đầu tiên cho những ai đặt chân đến Singapore, thông qua cảm nhận về sự sạch sẽ. Tất cả nhà cửa, đường phố, cây cối, xe cộ… đều sạch bong, không có ai vứt rác thải ra đường. Hầu hết thời gian chúng ta đều không nhìn thấy bóng dáng một người cảnh sát nào. Có điều này, trước tiên là do có các quy định nghiêm minh của pháp luật trong tiết chế các hành vi nhân sự, và cũng do người dân nơi đây ý thức đến mức có thể gọi là văn minh tự giác trong mọi sinh hoạt đời sống. Chính từ ý thức tự giác này mà Chính phủ tiết kiệm được rất nhiều chi phí để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, xử lý vi phạm…

Singapore được như ngày nay, tất cả là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, nhìn xa trông rộng của những người lãnh đạo, họ biết phát huy thế mạnh, đặc biệt là phát huy tiềm lực con người, phát huy các chính sách kinh tế - tài chính hữu hiệu để vươn lên, không chịu thua kém ai.

Nhìn nhận, đánh giá và đúc rút kinh nghiệm từ Singapore để từ đó có thể linh hoạt áp dụng vào điều kiện thực tế nhằm mang lại lợi ích cho Ngành, cho đất nước… là điều mà chúng ta cần làm để một ngày không xa, chúng ta không bị thụt lùi quá xa so với các nước trong khu vực. Và một điều quan trọng là học tập Bạn để chúng ta có thể duy trì thể chế chính trị - xã hội ổn định, bền vững và phát triển.