Các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam?

Theo ncif.gov.vn

Việc đồng USD tăng giá và chính sách hạn chế nhập cư của Mỹ có thể khiến cho kiều hối về Việt Nam giảm, vì một lượng lớn kiều hối về Việt Nam được gửi từ Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chính sách của tân Tổng thống Donald Trump

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump có rất nhiều chính sách mới so với cựu Tổng thống Obama. Những chính sách nổi bật của tân Tổng thống Donald Trump bao gồm:

Chính sách phản đối nhập cư

Ông Donald Trump có chính sách cực kỳ cứng rắn đối với vấn đề nhập cư. Phản đối nhập cư cũng là một trong những luận điệu chính mà ông Donald Trump đưa ra trong cuộc tranh cử Tổng thống nhằm vận động sự ủng hộ của những người Mỹ da trắng.

Trong bài phát biểu tại Phoenix, bang Arizona ngày 31/8/2016, ông Trump tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ có hàng loạt biện pháp cứng rắn trong vấn đề nhập cư, trong đó loại bỏ mọi khả năng cấp quyền công dân cho những người nhập cư sinh sống trái phép tại Mỹ, mà phần lớn là người Mexico.

Ông cũng từng tuyên bố trước khi thắng cử về những công việc sẽ làm trong 100 ngày đầu tiên, trong đó chính sách phản đối người nhập cư được thực hiện đầu tiên. Theo đó, Ông Trump sẽ ngay lập tức khởi động việc trục xuất 2 triệu người nhập cư phi pháp và huỷ thị thực của những quốc gia không nhận lại người.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Donald Trump cũng đã có những biện pháp quyết liệt để thực hiện lời hứa của mình. Ngày 25/1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh bắt đầu kế hoạch xây tường biên giới với Mexico tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

Ngày 27/1/2017, Ông Trump cũng đã ra sắc lệnh hành pháp về việc cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo, nhằm chống khủng bố thâm nhập nước Mỹ. Tuy nhiên, hai bang Washington và Minnesota đã kiện sắc lệnh của Ông Trump lên tòa án liên bang ở Seattle. Thẩm phán tòa án liên bang đã ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh của ông Trump.

Chính sách chống toàn cầu hóa, bảo hộ thương mại

Tổng thống Donald Trump được xem là người theo chủ nghĩa vị nước Mỹ và có tư tưởng chống lại chủ nghĩa toàn cầu. Do đó, chính sách toàn cầu hóa đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua có thể sẽ bị vấp phải những khó khăn trước mắt.

Thương mại luôn là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử của ông Donal Trump. Trong chiến dịch tranh cử của vị tổng thống này, ông hoàn toàn bỏ qua các nguyên tắc đã được Mỹ ký kết trước đó về thương mại tự do, mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc mang lại việc làm cho người dân Mỹ, kêu gọi các công ty lớn quay trở lại Mỹ để làm ăn và điều này đồng nghĩa với việc chống lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Ngay sau khi chính thức nhậm chức (21/1/2017), vào ngày 23/1/2017, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi hiệp định TPP. Việc đàm phán lại NAFTA cũng sẽ là một ưu tiên của chính phủ mới trong thời gian tới.

Ông Donald Trump cũng có thể khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do ông luôn cáo buộc Trung Quốc đã thao túng tiền tệ, đồng thời đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu để trừng phạt Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại với các nước lớn

Là siêu cường hàng đầu thế giới, Mỹ giữ vai trò chi phối trong các vấn đề toàn cầu và có ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ quốc tế. Chính sách của Mỹ tại châu Á, Trung Đông hay với Trung Quốc và Nga luôn là những vấn đề nóng bỏng của chính trị thế giới. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khiến các đồng minh của Mỹ bất an.

Về chính sách đối ngoại với NATO, Mỹ là quốc gia đóng góp hơn 70% ngân sách hoạt động của khối. Tổng thống Donald Trump cũng đã từng đưa ra quan điểm về vấn đề đóng góp ngân sách của các quốc gia thành viên rằng, nước Mỹ cần được bồi hoàn thích đáng về những chi phí to lớn của quân đội để bảo vệ quốc gia khác, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện, trong trường hợp một nước thuộc khối bị tấn công, Mỹ sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào cho NATO rồi mới can thiệp.

Điều này có thể sẽ khiến chính sách đối ngoại mà Mỹ đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ qua bị sụp đổ và làm rung chuyển các cấu trúc an ninh vốn là chỗ dựa cho sự ổn định của châu Âu và toàn cầu sau Thế Chiến thứ II.

Về chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump coi việc thao túng đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc đang gây nhiều thiệt hại cho Mỹ, cướp đi việc làm của công dân Mỹ và ông kiên quyết “trừng trị” những toan tính thương mại của Trung Quốc trong thời gian đương nhiệm.

Tổng thống Donald Trump kêu gọi áp thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc. Sau khi nhậm chức, ông Trump cũng đã có thay đổi trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc bằng cách ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ông Donald Trump cho biết ông sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" bằng cách thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng nước này có chủ quyền đối với đảo tự trị Đài Loan.

Về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump cam kết bổ sung nhiều biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên, gây áp lực để Trung Quốc hợp tác trong việc áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên và tiếp tục củng cố liên minh quân sự Mỹ - Hàn để răn đe Triều Tiên.

Về chính sách đối ngoại với châu Âu, Tổng thống Donald Trump ủng hộ các phong trào dân túy ở châu Âu, ông không coi trọng những lợi ích mà nước Mỹ có được từ làn sóng đầu tư do hội nhập châu Âu cũng như an ninh xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump luôn ca ngợi Nga và bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Nga. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/1/2017 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga và kết quả của cuộc điện đàm được Nhà Trắng mô tả là "khởi đầu quan trọng cho việc khôi phục quan hệ giữa hai nước”.

Về tổ chức hồi giáo tự xưng IS, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng khủng bố này trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, ông lại chưa vạch ra được kế hoạch cụ thể nhằm thiết lập sự cân bằng chiến lược làm nền tảng giải quyết cuộc khủng hoảng  lớn nhất tại khu vực Trung Đông.

Chính sách thuế

Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ thực hiện cuộc cách mạng lớn nhất về thuế kể từ thời kỳ của cựu tổng thống Ronald Reagan. Theo đó, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cắt giảm thuế mạnh mẽ. Ông nói rằng sẽ không có doanh nghiệp nào của Mỹ phải trả quá 15% lợi nhuận cho thuế, so với mức trần hiện nay là 35%.

Tác động đến Việt Nam

Việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ khiến cho TPP đứng trước nguy cơ thất bại cao. Mỹ là nước có quy mô kinh tế lớn nhất trong TPP, nên việc Mỹ rút khỏi TPP đồng nghĩa với việc thị trường rộng lớn của TPP sẽ giảm xuống 60% và những quốc gia còn lại trong khối khó có thể chấp nhận những nhượng bộ đã thương thuyết trước đó trong TPP.

Thậm chí, ngay cả khi TPP được thông qua mà không có Mỹ, Hiệp định này cũng sẽ mất đi ý nghĩa với Việt Nam và nhiều nước thành viên còn lại vì Mỹ được trông đợi sẽ là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong TPP.

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam để đón đầu hiệp định TPP từ những năm trước sẽ dừng lại vì các dự án này vào Việt Nam chủ yếu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Việc Mỹ rút khỏi TPP cũng khiến cho vai trò của Trung Quốc trong khu vực tăng lên, bởi vì Mỹ không còn can dự nhiều tới khu vực châu Á Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ phải cân đối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc dựa vào các hiệp định FTA khác để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ cũng sẽ khiến cho các hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn.

Xu hướng bảo hộ thương mại có thể khiến cho thâm hụt thương mại của Mỹ giảm, do vậy đồng USD sẽ tăng giá do Mỹ ít sử dụng đồng USD để nhập khẩu hàng hóa hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá USD/VND và nợ nước ngoài bằng đồng USD của Việt Nam.

Việc đồng USD tăng giá và chính sách hạn chế nhập cư của Mỹ có thể khiến cho kiều hối về Việt Nam giảm, vì một lượng lớn kiều hối về Việt Nam được gửi từ Mỹ.

Việc Mỹ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ tăng. Việt Nam cần tăng cường thu hút FDI trực tiếp từ Mỹ nếu có chính sách thu hút phù hợp.