Các nhà đầu tư giữ lòng tin với thị trường Việt Nam

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã phân tích khá rõ thành tựu và thách thức với kinh tế nước ta giai đoạn hiện nay. Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 sẽ ở mức 5,3% và khoảng 5,4% vào năm 2014; lạm phát dự kiến ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã trả lời phỏng vấn về những nhận định và khuyến nghị giải pháp cho kinh tế nước ta của WB.

Các nhà đầu tư giữ lòng tin với thị trường Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
PV: Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, đánh giá của WB đối với kinh tế nước ta có là góc nhìn lạc quan không?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Nền kinh tế nước ta đang gặp khó khăn do nội tại và từ bên ngoài tác động, nhưng vẫn tăng trưởng, quý I hơn quý II, trong sáu tháng đầu năm tăng trưởng 4,9%. Nếu so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong năm nay của khu vực đồng euro thì thấy, nước ta tăng trưởng gấp 9 đến 10 lần. So với khu vực thì chúng ta đạt đượåc mức chuẩn chung, mức bình quân của khu vực, nhất là những khu vực đang phát triển.

Bên cạnh đó, nước ta cũng giữ được những ổn định liên quan đến hệ thống tài chính tiền tệ, thậm chí có cải thiện. Các doanh nghiệp đang có sự hồi phục nhất định. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có hướng cải thiện, từ suy giảm liên tục suốt 4 năm qua nay đã chuyển ngược lại cho thấy căn cứ WB nhận xét là hoàn toàn có cơ sở. Nhận định này cũng cho thấy lòng tin của thế giới, của các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam khá tốt. Nhưng không thể chủ quan, bởi nước ta vẫn đang đối diện với rất nhiều vấn đề cần được giải quyết và ngay cả sự tăng trưởng cũng chưa thật sự ổn định.

Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua là động lực để thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020, nhưng theo cảnh báo của WB thì tăng trưởng chậm kéo dài cũng là một lực cản trong thực hiện chiến lược này. ông nhận định như thế nào về quan điểm này?

Vấn đề này đã được các cơ quan chức năng, chuyên gia và doanh nghiệp nước ta nhận thức sâu sắc. Căn nguyên của việc tăng trưởng chậm kéo dài cũng đã được chỉ rõ. Tôi tin rằng với tinh thần đổi mới, đặc biệt là tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 Khóa XI đến các hội nghị gần đây, cũng như tinh thần quyết liệt đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế sẽ từng bước giải quyết khó khăn này. Trên thực tế, một số vấn đề đã được giải quyết khá tốt, đúng hướng và là điều kiện tiền đề để cải thiện tốt hơn trong thời gian tới.

WB cho rằng, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy, sự quyết liệt hơn này cần được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Đây cũng là 1 điểm bức xúc mà nước ta đã nhận thức ra từ Đại hội XI của Đảng, khi nêu bật 3 lĩnh vực cần tái cơ cấu. Chính phủ đã thông qua tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó cũng đã định rõ những lĩnh vực trọng tâm và những lĩnh vực ưu tiên và định hướng phát triển lớn. Tôi cho rằng có 3 điểm cần lưu ý trong đột phá tái cơ cấu.

Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp cũng như là tái cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước như là một trọng tâm hàng đầu. Mặc dù cho đến nay đã có 7 trên 9 tập đoàn và 44 doanh nghiệp Nhà nước đang làm hồ sơ thông qua để triển khai sắp xếp, nhưng vẫn cần phải đẩy nhanh hơn nữa, không nên quá lo ngại việc thị trường đang khó khăn mà giảm tốc độ thực hiện cổ phần hóa.

Thứ hai
, khu vực nông nghiệp cần được tái cấu trúc mạnh mẽ hơn theo tinh thần giữ được tỷ trọng cây lương thực, bảo đảm an ninh lương thực; chuyển đổi và tái cơ cấu về mặt đất đai, các vùng sản xuất công nghiệp để áp dụng công nghệ cao và thu hút nhà đầu tư.

Thứ ba, công nghiệp phụ trợ phải có những đột phá về môi trường đầu tư, cũng như cách thức phát triển để hình thành một mạng công nghiệp phụ trợ, tạo ra những thay đổi căn bản trong nền tảng công nghiệp, đưa nước ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xin cám ơn ông!