Cần đánh giá chính xác về tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng thương mại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kế hoạch kiểm toán năm 2014 vừa trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước xác định bên cạnh việc đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, thì sẽ tập trung kiểm toán kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế. Trọng tâm trong kiểm toán nội dung tái cơ cấu nền kinh tế sẽ là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại.

Cần đánh giá chính xác về tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng thương mại
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Nghị quyết số 47/2013/QH13, tại Kỳ họp thứ Bảy và Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành giám sát hai chuyên đề: việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012; việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Để phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, Kiểm toán Nhà nước cho biết, sẽ tập trung kiểm toán các dự án, công trình đầu tư xây dựng, công tác mua sắm, sửa chữa tài sản... trong đó chú trọng đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh lồng ghép kiểm toán sử dụng tài chính, tài sản công khi kiểm toán tài chính nói chung tại các bộ, ngành và địa phương, Kiểm toán Nhà nước tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề Phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực cũng nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản lý đầu tư công trong một giai đoạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong một địa phương tùy vào tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương hay lĩnh vực được phân công và năng lực của đơn vị. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng tiến hành kiểm toán tổng hợp công tác quản lý, điều hành chi đầu tư xây dựng của các bộ, ngành, địa phương trong từng năm và cả giai đoạn 2011 – 2015; các dự án, công trình quan trọng và dự án xây dựng kết cấu hạ tầng do các cơ quan chức năng quản lý được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng Nhà nước, nhất là những dự án có sức ảnh hưởng rộng.

Kiểm toán Nhà nước cũng xác định trong năm 2014 sẽ tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước, tổ chức tài chính Nhà nước, kể cả các đơn vị đã được kiểm toán năm 2013. Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ kiểm toán tại 44 đầu mối, tăng 14 đầu mối so với năm 2013 để đánh giá tình hình tài chính, quản trị, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như hiệu quả đầu tư ngoài ngành. Đặc biệt là, Kiểm toán Nhà nước sẽ chú trọng kiểm toán việc tái cơ cấu các đơn vị này gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh để có những kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước.

Có thể thấy, Kiểm toán Nhà nước đã giảm một số nội dung, chuyên đề lồng ghép trong các cuộc kiểm toán, nhưng lại tăng số lượng cuộc kiểm toán để bám sát với các hoạt động của Quốc hội trong năm 2014. Ghi nhận nỗ lực xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước, song Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cần tập trung kiểm toán những dự án, công trình có quy mô vốn lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như của địa phương như dự án cải tạo, nâng cấp và sửa chữa Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14.

Tất nhiên, việc kiểm toán các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ cho một báo cáo toàn cục về thực hiện đầu tư công. Nhưng với các dự án, công trình có quy mô vốn lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng sẽ không chỉ tác động xấu đến ngân sách Nhà nước hôm nay, mà có thể để lại gánh nặng cho thế hệ sau. Bởi thực tế, việc cải tạo, nâng cấp và sửa chữa Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 không chỉ bằng vốn ngân sách Nhà nước, mà còn bằng vốn vay ODA, vốn tín dụng Nhà nước. Vì vậy, đề xuất của cơ quan thẩm tra cần được cơ quan kiểm toán nghiêm túc tiếp thu.

Còn nhớ, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2014 đã có ý kiến cho rằng, số lượng nội dung giám sát có thể ít, nhưng đã giám sát thì phải đi tới cùng. Kiến nghị sau giám sát phải cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan để có thể khắc phục triệt để những hạn chế tồn tại được phát hiện, không để tình trạng đã giám sát nhưng hậu quả vẫn xảy ra như Vinalines, Vinashin... Vì vậy, dù cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề thì Quốc hội cũng chỉ lựa chọn 2 chuyên đề giám sát vào năm 2014, và triển khai sớm để tăng dư địa cho cả cơ quan chủ trì giám sát và cơ quan chịu giám sát thực hiện tốt chương trình đề ra.

Với tinh thần giám sát của Quốc hội trong năm 2014 như vậy, hy vọng lực lượng kiểm toán sẽ nỗ lực đổi mới quy trình, phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Và mong rằng từ các bảng số liệu, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật, quyết định hành chính, Kiểm toán Nhà nước sẽ đưa ra đánh giá chính xác, cụ thể về quá trình tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng thương mại.