Cần sự phối hợp “nghệ thuật” giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

PV.

(Tài chính) Một trong những thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ năm 2013 là lạm phát chỉ tăng khoảng 6 % so với năm 2012 - mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Theo GS.,TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nếu không có các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng hướng thì khó đạt được kết quả ấn tượng như vậy. Nhận thức được điều này, trong 10 nhóm nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ đầu tiên đó là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tham dự “Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tài chính phải phấn đấu thực hiện trong năm 2014, trong đó có nhấn mạnh đến việc tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Cần phối hợp chặt chẽ hiệu quả chính sách tài khóa tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng. Bởi nếu phối hợp thiếu chặt chẽ sẽ khó đạt các mục tiêu đề ra. Trong thực tiễn điều hành của Chính phủ đã luôn luôn gắn chặt hai chính sách, đã chủ động phối hợp năm qua. Tôi mong phối hợp tốt hơn hiệu quả hơn”.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Ngành Tài chính phải thực hiện nghiêm túc việc thu đúng, thu đủ thuế, phí, cùng với đó là thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế, đảm bảo được vốn cho đầu tư phát triển, cũng như đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, chính sách tài khóa phải phối hợp với chính sách tiền tệ để có mức lãi suất phù hợp. Lãi suất thấp cũng là một yếu tố giúp khôi phục sản xuất kinh doanh phục hồi tăng trưởng. Phối hợp trong phát hành và huy động thông qua phát hành 400 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; Duy trì tỷ giá ổn định như năm 2013; Giảm bội chi xuống dưới mức 5,3%; Giảm nợ công, đảm bảo an ninh an - toàn tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô...

Cũng không phải ngẫu nhiên tại “Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2014” của ngành Tài chính, lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đến dự và khẳng định, sự phối hợp giữa hai chính sách tài khóa - tiền tệ giữa hai ngành đã có những bước tiến quan trọng để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được đặt ra. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, tinh thần phối hợp này cần phải được quán triệt trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2014. Theo đó, để phục hồi tăng trưởng, Quốc hội đã chấp nhận cho Chính phủ nới bội chi ngân sách lên 5,3% và tăng phát hành trái phiếu chính phủ với khối lượng phát hành cao hơn năm 2013. Với những động thái này, vấn đề điều hành chính sách sẽ rất khó khăn. Vì thế, hai ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, không thể chỉ là sự phối hợp cơ học mà đòi hỏi sự phối hợp nghệ thuật.

“Phối hợp ở thời điểm nào thì đưa trái phiếu ra phát hành, thời điểm nào thì bổ sung bằng nguồn tín dụng, phối hợp như vậy mới duy trì được mặt bằng lãi suất thấp. Bởi, nếu mặt bằng lãi suất vừa được thiết lập trong năm 2013 bị phá vỡ sẽ đẩy lãi suất cao trở lại làm khó cho sản xuất, kinh doanh, thì nguy cơ không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát đặt ra cho năm 2014 và cũng làm khó cho cả việc phát hành trái phiếu. Ngoài ra, hai ngành cũng phải phối hợp tốt để hệ thống tài chính bao gồm thị trường vốn và thị trường bảo hiểm là công cụ hữu hiệu để Chính phủ điều hành. Tránh tình trạng Ngân hàng Nhà nước chỉ lo chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính chỉ lo chính sách tài khóa. Phối hợp tốt sẽ đảm bảo chính sách tài khóa và tiền tệ đều thắng lợi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc phối hợp hai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong năm 2014, TS. Trịnh Quang Anh, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu của năm 2014, áp lực cho hai chính sách này là rất lớn và đòi hỏi phải có sự phối hợp khôn khéo. Nhất là khi lạm phát cao vẫn là nguy cơ do CPI có thể chịu các cú sốc từ việc một số hàng hóa, dịch vụ cơ bản tiếp tục được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, trong khi lạm phát từ yếu tố tiền tệ cùng lúc có thể xuất hiện sau độ trễ của chính sách tiền tệ “linh hoạt”. Trong khi đó, ngân sách buộc phải bội chi, tăng phát hành trái phiếu và nhìn vào đó thấy nợ công sẽ phình lên và nợ công là câu chuyện của năm 2014. Vấn đề là chính sách tiền tệ sẽ phải “xoay xở” thế nào để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu nhưng không gây lạm phát?!

Đồng tình với nhận định này, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định rằng, sự phối hợp giữa hai chính sách này đang trở nên cấp thiết hơn để không đẩy nợ công trong thời gian tới rơi vào trạng thái mất an toàn và gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm tái diễn lạm phát cao. Tâm điểm của năm 2014 và 2015 sẽ là câu chuyện bội chi ngân sách và quản lý nợ công. Việc buộc phải nâng trần bội chi lên 5,3% GDP và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu giai đoạn 2014-2016 sẽ gây áp lực lớn nhất cho Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hiện nay các tổ chức tín dụng đang nắm giữ tới gần 450.000 tỷ đồng tín phiếu và 90% giá trị trái phiếu đang lưu hành. Với áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn trong tổng 2 năm 2014 - 2015 là khoảng 320.000 tỷ đồng, nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.

TS. Cao Viết Sinh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là thời điểm rất quan trọng và ý nghĩa khi dự thảo “Nghị quyết 01 mới” về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đang được tham khảo ý kiến. Bên cạnh đó, việc bàn cách và tìm giải pháp phối hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng là một phần thực hiện Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô đang được các cơ quan liên quan tích cực triển khai. Trước mắt, sớm thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô giữa 4 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. Theo đó là sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và giá cả nhằm đảm bảo thực hiện nhất quán và cân đối các mục tiêu kinh tế vĩ mô, bao gồm tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn và việc làm.