Cần thiết phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

PV.

(Tài chính) Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 01/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác THTK, CLP trong thời gian qua. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho thấy, cần thiết phải sửa đổi Luật quan trọng này.

Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội. Nguồn: quangninh.gov.vn
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội. Nguồn: quangninh.gov.vn

Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khẳng định, qua 7 năm thực hiện, công tác THTK, CLP đã có chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đến nay, Luật THTK, CLP đã bộc lộ một số hạn chế: một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế; nhiều vấn đề phát sinh chưa được điều chỉnh kịp thời. Do vậy, để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng đối với công tác THTK, CLP, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật THTK, CLP.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật THTK, CLP lần này đặc biệt đề cao mục tiêu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch bảo đảm sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội. Đây có thể coi là điểm nhấn nổi bật, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.

Trong đánh giá chung, Ủy ban Tài chính – Ngân sách khẳng định, Dự thảo Luật THTK, CLP đã được bổ sung nhiều nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa hơn so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu sửa đổi.

Theo đó, những quy định qua áp dụng đã chứng minh được hiệu quả pháp lý, phù hợp thực tiễn thì cần được tiếp tục quy định trong Dự thảo luật. Chẳng hạn như Dự thảo luật đã bỏ nhiều điều khoản trong Chương III về THTK, CLP trong đầu tư XDCB, trong khi đó, lãng phí trong đầu tư XDCB hiện đang là vấn đề bức xúc, gây thất thoát lớn cho NSNN, cần kiên quyết xử lý… Vì vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị giữ lại, bổ sung thêm và làm rõ trong Dự thảo luật các nội dung mang tính tâm điểm, nhạy cảm, dễ gây lãng phí lớn như: (1) Tổ chức bộ máy, xét duyệt biên chế, sử dụng, tuyển dụng lao động; (2) Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển kinh tế ngành, quy hoạch đầu tư XDCB, trong đó nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch, kế hoạch phải đi đôi với khả năng kinh tế, với tiềm lực ngân sách; (3) Quản lý và sử dụng NSNN; (4) Quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; (5) Thực hành tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội, ma chay, cưới xin và các hoạt động sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng...

Bên cạnh đó, về các biện pháp thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản, vốn, tài nguyên, cơ chế phát hiện lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực tế, Dự thảo luật cần bổ sung các quy định chi tiết hơn về: (1) Công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng tài sản, tiền vốn, tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh. (2) Cơ chế khuyến khích phát hiện hành vi lãng phí, hình thức thông tin, cơ quan và tổ chức tiếp nhận thông tin; trách nhiệm xử lý thông tin kịp thời; (3) Quy định cụ thể hơn về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán nhà nước và kiểm toán nội bộ về THTK, CLP, theo đó các hoạt động này phải được tăng cường hơn so với hiện nay, bảo đảm tính thường xuyên, bao quát các lĩnh vực thường xuyên xảy ra lãng phí; (4) Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể để loại trừ các trường hợp nhiễu thông tin hoặc lợi dụng quy định để gây mâu thuẫn nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm đối với việc quyết định, ban hành chính sách, tăng cường các biện pháp chế tài...

Một trong những điểm được dư luận quan tâm đó là vấn đề THTK, CLP trong thành lập, quản lý, sử dụng quỹ có nguồn từ NSNN. Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định, qua giám sát thực tế, cơ quan này nhận thấy, có tình trạng thành lập khá nhiều quỹ ngoài NSNN. Tại nhiều đạo luật khác nhau đều có xu hướng quy định về quỹ của ngành, của lĩnh vực mình quản lý. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng tiền NSNN tại nhiều quỹ chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí không nhỏ cho NSNN.

Vì vậy, việc Dự thảo luật quy định việc THTK, CLP tại các quỹ là cần thiết. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung nguyên tắc hạn chế tối đa việc thành lập quỹ ngoài NSNN, về cơ chế đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ; cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu, người quyết định thành lập khi xảy ra lãng phí, thất thoát…