Cần tính toán được - mất

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dựa trên kết quả khảo sát mức lương tối thiểu tại các doanh nghiệp, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất cần tăng lương tối thiểu từ năm 2014 để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho đa số công nhân. Với tính chất là một tham chiếu do doanh nghiệp xác định mức lương, tiền bảo hiểm, thì đúng là cần tăng lương tối thiểu. Nhưng lẽ thường thì trước khi ban hành chính sách không thể chỉ nhìn một khía cạnh để quyết định, cần tính toán kỹ cái được, cái mất.

Cần tính toán được - mất
Cần tính toán được - mất khi điều chỉnh lương tối thiểu. Nguồn: internet

Trước tiên hãy nói về cái được của việc điều chỉnh lương tối thiểu. Đề xuất tăng lương tối thiểu là kết quả khảo sát được Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện tại 68 doanh nghiệp tại các thành phố lớn về tiền lương trung bình năm 2013 của lao động tại những đơn vị này.

Kết quả khảo sát cho thấy dù đa số người lao động có thu nhập cao hơn mức tối thiểu nhưng mới chỉ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, không thể có tích lũy. Trong khi đó, lạm phát dù đã được kiểm soát ổn định trong 8 tháng qua nhưng được cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng, nhất là khi giá nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới, thị trường trong nước được điều chỉnh.

Như vậy, nếu thu nhập của người lao động không được cải thiện thì có thể cuộc sống sẽ khó khăn hơn trong năm 2014. Nói cách khác, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu là phù hợp với nhu cầu của xã hội, cũng như diễn biến của kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Ngoài ra, dù đúng là đa số doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng với tính chất là tham chiếu cho việc xây dựng bảng lương thì đây vẫn là yếu tố ràng buộc doanh nghiệp phải tăng lương cho lao động. Thu nhập tăng không chỉ để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu sống tối thiểu của lao động, mà sẽ giúp tạo điều kiện để chăm sóc con của họ.

Nếu con của người lao động được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển cả về thể chất và trí tuệ, và có thể chuyển sang lao động có kỹ năng tốt hay lao động trí tuệ, thay vì lao động giản đơn như cha mẹ.

Về lý thuyết là như vậy, nhưng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn như hiện nay, thì các doanh nghiệp sẽ khó điều chỉnh tăng lương. Quyết định này có thể không tác động đến đại bộ phận lao động như kỳ vọng. Và do tiền lương tối thiểu thường được xác định là tham chiếu để tính toán tiền đóng bảo hiểm y tế, nên điều chỉnh thông số này thì doanh nghiệp và người lao động sẽ phải đóng tiền mua bảo hiểm y tế nhiều hơn. Lương của lao động không tăng, song các khoản đóng góp tăng cũng có nghĩa là thu nhập thực chất giảm đi.

Mặt khác, việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2014 cũng đặt doanh nghiệp vào cảnh đứng giữa hai làn đạn. Bởi lẽ, để bảo đảm sức cạnh tranh khi đàm phán ký hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp thường phải đưa ra mức giá có nhiều lợi thế hơn so với các đơn vị khác, nên không thể tăng lương cho lao động khiến khó giữ giá sản phẩm.

Tuy nhiên, với đối tác quan tâm đến điều kiện làm việc, thu nhập của công nhân thì việc không điều chỉnh lương cũng sẽ làm mất một phần lợi thế của doanh nghiệp. Lựa chọn theo hướng nào cũng có nhiều rủi ro, chưa kể điều chỉnh lương tối thiểu nhiều lần cũng làm các đơn vị không chủ động trong xác định kế hoạch kinh doanh.

Một tác động khác lâu nay chưa được chú ý là mối liên quan giữa điều chỉnh mức lương tối thiểu với quyết định sử dụng lao động của chủ doanh nghiệp. Thực tế, do chi phí sản xuất tăng, trong khi sức mua thấp, các quốc gia tăng sử dụng biện pháp tự vệ nên nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tăng ca, dồn việc.

Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chỉ giữ lại lao động có kỹ năng, có trình độ, giảm tối đa lao động giản đơn, lao động không thực sự cần thiết. Và một căn cứ để xác định lao động phải nghỉ việc được nhiều đơn vị áp dụng là dựa vào so sánh của lương thực tế với lương tối thiểu.

Lao động giản đơn thường có mức lương không cao hơn nhiều so với lương tối thiểu nên đương nhiên sẽ gặp bất lợi khi doanh nghiệp lựa chọn. Vì thế, lao động này có thể chưa phải nghỉ việc nếu so sánh với mức lương tối thiểu hiện nay, nhưng so với mức được đề xuất thì sẽ thuộc nhóm phải nghỉ việc.

Có thể thấy, việc điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/7/2013 cho một số nhóm việc làm đã không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng như thường lệ. Do đó, trong điều kiện hiện nay, khi điều chỉnh lương tối thiểu thì không chỉ cần cân nhắc đến việc các mặt hàng tăng giá bán theo kiểu té nước theo mưa. Cơ quan chức năng cần tính toán đến những được – mất khi ban hành quyết định này, nhất là tác động với người lao động đang có cuộc sống khó khăn.