Cần xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân khi xảy ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư công

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thực tế quản lý đầu tư công thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Vì thế, cần phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân khi có thất thoát, lãng phí.

Ảnh minh họa. Nguồn: noichinh.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: noichinh.vn

Theo thống kê sơ bộ, cứ khoảng 30km đến 70 km bờ biển lại có một cảng nước sâu… nên nước ta có tới 100 cảng biển các loại. Nền kinh tế nước ta có quy mô GDP khoảng 130 tỷ USD, mà 8 trong tổng số 24 sân bay là sân bay quốc tế; trong khi nền kinh tế Nhật Bản có quy mô GDP khoảng 5.000 tỷ USD chỉ có 4 sân bay quốc tế, Australia với GDP hơn 1.200 tỷ USD và diện tích rất lớn cũng chỉ có 2 sân bay quốc tế.

Với cách thức đầu tư dàn trải này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, nguồn lực sẽ bị tranh chấp, giảm hiệu lực của chính sách, chủ trương. Mặt khác, số lượng dự án đầu tư nhiều hơn nguồn lực thực hiện khiến nhiều công trình manh mún, thực hiện nhiều dự án song không cái nào đúng hạn. Và càng nhiều dự án thì càng khó quản trị, càng thiếu người quản trị thì hiệu quả ở cả tầm vĩ mô và vi mô của việc sử dụng vốn càng thấp.

Vậy thất thoát, lãng phí trong đầu tư công do nguyên nhân nào? Theo Tờ trình dự án Luật Đầu tư công của Chính phủ, hạn chế này có nhiều nguyên nhân như: buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công..., đặc biệt là chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế này, dự án Luật Đầu tư công đã dành toàn bộ Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn. Quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trong dự án Luật để góp phần hạn chế và chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, hay bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Dù quy trình phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư đã cụ thể hơn, nhưng là theo đúng phân cấp quản lý Nhà nước hiện nay. Không phải lâu nay, theo quy định hiện hành thì nguồn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành quản lý sao? Hay việc địa phương được quyết định với dự án sử dụng toàn bộ vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu Chính quyền địa phương, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền HĐND các cấp... không theo quy định hiện hành?

Dự án Luật cũng xác định, người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đối với nguồn lực và nguồn vốn đầu tư công thực hiện chương trình, dự án và phải bị xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ chịu trách nhiệm bằng hình thức bị kỷ luật. Theo dự án Luật, việc bồi thường chỉ áp dụng đối với Chủ tịch hội đồng thẩm định và các thành viên tham gia thẩm định do đưa ra kết quả thẩm định không chính xác, khiến người đứng đầu tổ chức, cơ quan có quyết định đầu tư sai.

Nhưng có thực sự là người đứng đầu có quyết định đầu tư sai do kết quả thẩm định không chính xác hay không? Chưa kể, dự án Luật quy định về các căn cứ để lập, thẩm định kế hoạch đầu tư chưa rõ ràng, như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Vậy khi yếu tố xác định sự đúng, sai của quyết định đầu tư chưa rõ ràng thì sẽ khó xem xét ai là người chịu trách nhiệm?

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công của Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.

Các quy định này sẽ góp phần nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí. Đúng vậy, trách nhiệm cá nhân khi xảy ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư công phải có những quy định khả thi hơn tại dự án Luật này.