Chậm lại để phát triển bền vững

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) “Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm dài nhất từ thời đổi mới, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhìn lại sau một chặng đường tăng trưởng nhanh, để thấy điều gì tốt cần phát huy, điều gì không tốt phải thay đổi”.

    Đó là suy nghĩ của bà Karin Finkelston, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ trong chuyến công tác tại Việt Nam cuối tuần trước.

    PV: Dường như kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ nghĩ đến việc xoay xở để tồn tại mà xem nhẹ phát triển bền vững. Bà nghĩ sao về xu hướng này?

     Chậm lại để phát triển bền vững  - Ảnh 1
    Bà Karin Finkelston,
    Phó Chủ tịch IFC

    Bà Karin Finkelston: Thông thường, trong điều kiện kinh tế khó khăn, mọi người đều nghĩ rằng chưa phải lúc để tập trung cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi tại IFC, hành động phát triển bền vững chính là cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn của nền kinh tế.

    Ví dụ, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cao như hiện nay bắt nguồn từ sự yếu kém trong hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng, và cũng chính do sự yếu kém này mà các ngân hàng trở nên lúng túng khi xử lý nợ xấu. Do vậy, bây giờ chính là thời điểm để các DN cần xem xét lại lĩnh vực quản trị công ty của mình, thiết lập cơ chế xử lý rủi ro cho những tình huống tương tự trong tương lai.

    Bên cạnh đó, các nguy cơ về môi trường và xã hội cũng cần được tính đến. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt đến một quy mô đủ lớn để các vấn đề môi trường và xã hội có thể trở thành rào cản đối với quá trình tăng trưởng và phát triển tiếp theo. Kinh nghiệm từ các nước đi trước trong khu vực cho thấy, nếu mải mê tăng trưởng nhanh mà xem nhẹ các nhân tố phát triển bền vững thì hệ quả là khôn lường và sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí để khắc phục.

    Trên bình diện nền kinh tế, tái cơ cấu cũng được xem là hành động hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giữa lúc khó khăn này. Đây có phải là một lựa chọn đúng, theo bà?

    Việt Nam hiện đang trải qua giai đoạn phát triển chậm dài nhất từ thời Đổi Mới, nhưng đây cũng là thời cơ để Việt Nam nhìn nhận lại sau một chặng đường tăng trưởng nhanh, để thấy điều gì tốt cần phát huy, điều gì không tốt phải thay đổi. Tôi nghĩ rằng, thời điểm hiện tại là một cơ hội để Việt Nam tiến hành cải cách cơ cấu. Cơ cấu hiện tại chỉ tốt trong giai đoạn vừa qua và đã đến lúc thay đổi để phù hợp hoàn cảnh mới, giúp duy trì tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

    Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nên cần đảm bảo cho các DN trong nước ở tư thế sẵn sàng cạnh tranh với DN nước ngoài. Do vậy, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động và  sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là khi phần lớn nợ xấu của hệ thống ngân hàng là khoản vay của các DN nhà nước.

    Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam được cho là vẫn còn rất chậm. Dưới con mắt của bà, Việt Nam đã đạt được gì và còn phải làm gì?

    Chúng ta đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu tích cực như lạm phát ở mức trung bình, đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi, lực lượng lao động được đào tạo và nhiều DN nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam…, nghĩa là những yếu tố căn bản của nền kinh tế vẫn ổn định. Tôi rất lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

    Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn, cần tăng cường thể chế kinh tế thị trường, phát huy vai trò và sự đóng góp  của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế…

    IFC sẽ hỗ trợ quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam như thế nào?

    IFC đang triển khai một số hoạt động cụ thể như: thứ nhất, tiếp tục tư vấn cho khách hàng hiện tại các thông lệ quản trị công ty tốt nhất; thứ hai, đã và đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách tín dụng xanh để chính các ngân hàng cũng có những giải pháp quản trị rủi ro đến từ môi trường - xã hội; thứ ba, IFC đang hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho các ngân hàng mở rộng danh mục cho vay các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo. Tất cả các hoạt động của IFC đều tập trung thúc đẩy sự phát triển của các DN tư nhân, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, xương sống của nền kinh tế.

    Xin nói thêm về vai trò của kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, các DN nhà nước khi được cổ phần hóa thì việc xử lý các rủi ro hiệu quả hơn hẳn. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ quá trình cổ phần hóa DN nhà nước để đảm bảo các DN này hoạt động hiệu quả hơn.

    Đối với các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn mà vẫn muốn phát triển bền vững, bà có lời khuyên gì?

    Trong năm qua, IFC đã hỗ trợ các ngân hàng tăng cường tài trợ thương mại lên đến 805 triệu USD để giúp các DN duy trì hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ này trong thời gian tới. Còn về phía các DN, nên một mặt xem xét lại hệ thống quản lý để quản trị và hoạt động một cách hiệu quả hơn, lường trước được những rủi ro có thể đến từ nền kinh tế và thị trường.

    Mặt khác, DN nên chọn những ngân hàng lành mạnh, có hoạt động tốt để vay vốn cho dù chi phí có cao hơn, vì đây là các ngân hàng có thể cung cấp vốn dài hạn cho DN.