Chấn chỉnh sai phạm quyết toán vốn đầu tư

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) "Tình trạng vi phạm quy định về quyết toán vẫn còn xảy ra ở nhiều dự án, ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của nhà nước, gây nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) kéo dài...", ông Vũ Văn Liên, Trưởng phòng Quyết toán, Vụ Đầu Tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Nợ đọng XDCB gây nhiều hệ lụy tới việc quản lý vốn đầu tư, ông nhận định sao về thực trạng này vẫn xảy ra hiện nay?

14
Ông Vũ Văn Liên,
Trưởng phòng Quyết toán,
Vụ Đầu Tư
Ông Vũ Văn Liên: Trong nhiều năm gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng thường xuyên đánh giá tình hình thực hiện, chủ động đề xuất với Thủ tướng

Chính phủ ban hành một số biện pháp để đẩy mạnh công tác này và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đặc biệt, việc tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ đã được cải cách theo hướng đơn giản hóa và thực hiện theo cơ chế “một cửa”.

Chính từ những biện pháp tích cực này, công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đã có tiến bộ và từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định về quyết toán vẫn còn xảy ra ở nhiều dự án, trong đó (năm 2012 vẫn còn trên 15.000 dự án, chiếm 25,6%/tổng số dự án hoàn thành đã đưa vào sử dụng, chậm nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định), gây ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của nhà nước, gây nợ đọng XDCB kéo dài, không tất toán được tài khoản của dự án, không hạch toán tăng tài sản kịp thời cũng như việc theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.

Theo ông, căn nguyên nào dẫn đến chậm trễ và tồn đọng trong công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành hiện nay, thưa ông?

Qua kiểm tra nắm tình hình tại các đơn vị trong cả nước có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, địa phương.

Thực tế vừa qua cho thấy, phương nào có sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo, địa phương đó có kết quả xử lý nợ đọng XDCB đạt tốt. Địa phương nào thiếu sự điều hành, chỉ đạo, công tác quyết toán thấp, tồn đọng nhiều dự án dẫn đến nợ đọng và không tất toán được tài khoản vốn đầu tư.

Bên cạnh đó là việc phân công theo dõi và tổ chức thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư XDCB ở cấp quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh còn hạn chế; cán bộ trực tiếp thực hiện còn yếu cả về số lượng và năng lực.

Mặc dù chế tài xử phạt trong lĩnh vực này đã được quy định rõ tại nhiều văn bản,  nhưng nhiều nơi chưa triển khai triệt để.

Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất chính là ở chỗ, nhiều chủ đầu tư chưa chủ động, tích cực trong công tác lập hồ sơ quyết toán.

Tâm lý ngại quyết toán, ý thức chấp hành quy định về công tác quyết toán còn chưa nghiêm; nhiều chủ đầu tư năng lực yếu, lúng túng trong thực hiện nên đã kéo dài thời gian lập hồ sơ quyết toán.

Thậm chí, có chủ đầu tư còn không lập được hồ sơ quyết toán dẫn đến kéo dài thời gian thẩm tra quyết toán.

Vậy, thời gian qua Bộ Tài chính đã có những động thái gì để xử lý những vi phạm trong công tác quyết toán vốn đầu tư ?

Để xử lý những vi phạm hành chính nói chung, xử lý vi phạm trong công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành nói riêng, phải thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã tham gia với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Trong Nghị định này đã quy định rõ mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán công trình chậm kể từ khi hạng mục công trình, công trình xây dựng đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm Bộ Tài chính thông báo công khai tình hình quyết toán dự án hoàn thành của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước từ năm 2009 đến nay; đồng thời tổ chức công tác kiểm tra, công tác tập huấn quy trình thẩm tra quyết toán, công tác lập hồ sơ quyết toán chi các chủ đầu tư, cán bộ làm công tác thẩm tra quyết toán của các bộ, ngành, địa phương .

Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg  (CT27) nhằm đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước,  trong đó có đưa ra các quy định khá "quyết liệt" chấn chỉnh thực trạng nợ đọng XDCB. Là cơ quan quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ này, xin ông cho biết Bộ Tài chính đã "vào cuộc" như thế nào trong triển khai Chỉ thị 27?

Để thực hiện tốt CT27, hiện nay Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu và ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BTC ngày 2/1/2014 quy định quy trình thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị, trong đó có kế hoạch tổ chức tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị này; hướng dẫn và tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương về công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Tiếp theo là tổ chức triển khai kiểm tra công tác lập báo cáo quyết toán, thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành ở một số bộ, ngành, địa phương; đặc biệt năm nay sẽ tập trung vào hướng dẫn và kiểm tra đối với các quận, huyện.   

Để thực hiện tốt các yêu cầu của Chỉ thị 27, rất cần có sự triển khai đồng bộ, tích cực từ phía các bộ, ngành, địa phương. Vậy, Bộ Tài chính có đề xuất gì với các cơ quan, đơn vị này?

Trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền quản lý triển khai ngay các bước theo yêu cầu của Chỉ thị.

Đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai thực hiện, đề xuất hướng giải quyết đối với các khó khăn, vướng mắc trên gửi về Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) trước ngày 30/4/2014 để kịp thời nghiên cứu, phổ biến chung trong cả nước thống nhất thực hiện.

Xin cảm ơn ông!