Chặt vòi bạch tuộc, được không?

Theo doanhnhanonline.com.vn

(Tài chính) Liệu siết chặt việc sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định tại các ngân hàng thương mại cổ phần mà ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giúp loại bỏ việc các ngân hàng bị thao túng?

Chặt vòi bạch tuộc, được không?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lâu nay chuyện một vài cổ đông lớn thao túng và có tiếng nói chi phối trong hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam là không hiếm. Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ năm 2011 quy định giới hạn sở hữu cổ phần đối với cổ đông thể nhân là 5%, cổ đông pháp nhân là 15% (trừ trường hợp sở hữu cổ phần theo quyết định của NHNN). Luật còn qui định cổ đông và những người có liên quan của cổ đông không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, cho đến nay nhiều ngân hàng vẫn chưa tuân thủ đúng qui định này. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc sở hữu 3%; hai con gái ông nắm tổng cộng 4%, còn Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận nơi vợ ông Bình làm Chủ tịch sở hữu 7,7%. Ở Đại Á Bank thì Tổng Công ty Tín Nghĩa sở hữu 25,74%. Tương tự, tại ABBank, hiện EVN còn sở hữu 16,2% cổ phần của ngân hàng này.

Ở Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê là cổ đông cá nhân lớn nhất sở hữu 8,36% vốn điều lệ. Con trai ông là Trầm Trọng Ngân – Phó Chủ tịch HĐQT nắm 4,42%, còn con gái Trầm Thuyết Kiều, Phó Tổng giám đốc, sở hữu 7,36%; chưa kể một số người có liên quan.

Theo NHNN, hiện vẫn còn ít nhất 8 ngân hàng thương mại cổ phần có hiện tượng một cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần với số lượng lớn, vượt tỉ lệ quy định, có khả năng thao túng, chi phối quản trị của các ngân hàng này.

Trong dự thảo vừa đưa ra lấy ý kiến, NHNN cũng chỉ ra rằng, thực tế các vụ án kinh tế gần đây đã lộ rõ những mảng tối của ngân hàng khi nhóm cổ đông lớn nắm quyền chi phối, lợi dụng kẽ hở luật pháp để vượt rào cho vay công ty “sân sau”, quản trị và kiểm soát yếu kém gây nợ xấu lớn. Để chấn chỉnh tình trạng này, dự thảo của NHNN yêu cầu cổ đông cá nhân, tổ chức và người có liên quan phải chuyển nhượng cổ phần cho NHNN và sẽ mất quyền biểu quyết cũng như không được ứng cử làm thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Dự thảo cũng đề xuất cấm tổ chức tín dụng được cấp tín dụng mới cho cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần…

Mới chỉ là phần ngọn

Trên thực tế, tại không ít ngân hàng, mặc dù về hình thức không có sự vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhưng hoạt động của ngân hàng vẫn phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan và ảnh hưởng của một nhóm cổ đông và một vài ông, bà chủ.

Việc các khoản vay được duyệt nhờ có sự can thiệp của cổ đông lớn là chuyện xảy như cơm bữa, bởi vậy mới có chuyện nợ xấu tại các ngân hàng tăng vọt, cho vay cánh hẩu diễn ra phổ biến ở nhiều tổ chức tín dụng. Siết chặt tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng là điều cần làm, song theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nhiều giải pháp khác cần được thực thi để hạn chế tình trạng ngân hàng bị thao túng. Quan trọng hơn cả là yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường hệ thống quản trị, kiểm soát được nguồn gốc vốn góp nhằm hạn chế tình trạng vốn ảo, chạy lòng vòng; đặc biệt là yêu cầu minh bạch trong cơ chế quản lý và công bố thông tin.

Là những người có điều kiện tiếp cận thông tin tài chính của các ngân hàng đầy đủ nhất, không ít chuyên gia kiểm toán cho rằng, cơ quan quản lý cần siết chặt các quy định về trích lập dự phòng và xếp loại nợ, cho phép kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ trong các báo cáo tài chính để khách hàng, nhà đầu tư và các bên có liên quan đến ngân hàng phần nào nắm bắt được chính xác những gì đang diễn ra trong lòng các nhà băng.