Chỉ số ấn tượng và những thách thức

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Không phủ nhận, xuất khẩu đã và đang trở thành động lực lớn để kinh tế đất nước có thể duy trì tăng trưởng. Trong đó, sự đóng góp của xuất khẩu nông, lâm thủy sản đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đời sống của nông dân, ngư dân lại đang rất bấp bênh vì "cây, con” họ trồng lại không thể chủ động về giá. Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam muốn ổn định và phát triển, thì trụ cột - kinh tế nông nghiệp - phải vững chắc.

Ngư dân Phú Yên với niềm vui từ "lộc biển”. Nguồn: internet
Ngư dân Phú Yên với niềm vui từ "lộc biển”. Nguồn: internet
Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 6 ước đạt 2,227 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 6 tháng đầu năm 2014 lên 14,67 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,6%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,01 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Năm nào cũng vậy, những con số thống kê hàng tháng, hàng quý, hàng năm về kim ngạch xuất khẩu mà cơ quan chức năng đưa ra bao giờ cũng tháng sau tăng hơn tháng trước, quý sau tăng hơn quý trước, năm sau tăng hơn năm trước. Đó thực sự là những con số ấn tượng cho thấy, năng lực xuất khẩu của ta luôn ổn định và tăng trưởng tốt. Những chỉ số đó cũng khẳng định, xuất khẩu nông lâm, thủy sản vẫn luôn là mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào việc giữ cho trụ đỡ nền kinh tế không bị lung lay.

Đánh giá về vai trò của nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản đối với nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam khi luôn đạt kim ngạch cao. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế, trong đó xuất khẩu nông, lâm thủy sản đóng vai trò then chốt”.

Con số xuất khẩu đẹp và đời sống ngư dân 

Tuy nhiên, nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay là, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn luôn đạt mục tiêu hàng năm, thậm chí vượt mục tiêu, song người nông dân vẫn luôn gặp khó. Xuất khẩu gạo lớn, nhưng người trồng lúa không được lợi từ giá gạo, thường xuyên bị thương lái ép giá. Trồng vải lo ế, thừa. Trồng cà phê, ca-cao lo điệp khúc "trồng – chặt”… Tất cả cũng chỉ bởi người nông dân không làm chủ được về giá. Những sản phẩm họ làm ra, giá cả thường xuyên bị phụ thuộc vào thương lái. 

Con cá ngừ, cá tra, ba-sa đóng góp một lượng không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm, song thực tế, đời sống ngư dân lại vô cùng bấp bênh. Cuộc sống của họ cũng lênh đênh như những con thuyền trên sóng cả. Xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU, Hoa Kỳ… và nhiều thị trường khác luôn giữ vai trò trọng yếu, nhưng đáng buồn là năm nào người nuôi cá tra cũng phải lo xem vụ cá năm nay bán có lời hay không. Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ cá tra năm 2013 vừa qua, hàng trăm hộ nuôi cá ở Đồng bằng sông Cửu Long phải treo ao vì cá cũng chung điệp khúc "được mùa rớt giá” với nông sản.

Ngay thời điểm này, ngư dân duyên hải Nam Trung bộ cũng đang quay quắt vì giá cá ngừ giảm sâu. Hơn 3 tháng qua, gần 100 tàu của ngư dân quận Thanh Khê và Sơn Trà (Đà Nẵng) phải nằm lại bờ vì giá cá ngừ xuống thấp, ngư dân không đủ phí tổn ra khơi. Nhiều tàu cá của ngư dân đang chịu lỗ hàng trăm triệu vì giá cá ngừ giảm quá mạnh. Không ít ngư dân bày tỏ băn khoăn, ra khơi bám biển, nỗi lo thiên tai, nhân tai, kể cả việc nước láng giềng hạ đặt giàn khoan trái phép cũng không lớn bằng nỗi lo phải quay về đất liền mà hàng tấn cá bán không lại được vốn. 

Thời gian gần đây, mặc dù Chính phủ cũng đã có nhiều động thái trong việc đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển (Nghị định 67/2014/NĐ – CP là một ví dụ), tuy nhiên, những khó khăn về giá vẫn đang tạo ra những áp lực lớn đối với hầu hết ngư dân hiện nay. Những lo ngại về tình trạng bị thương lái ép giá vẫn khiến cho không ít chủ tàu quan ngại trước mỗi đợt vươn khơi, thay vì lo thiên tai, địch họa…

Như vậy, nghịch lý của những chỉ số xuất khẩu đẹp với đời sống thực của nông dân, ngư dân vẫn đang là thách thức của các nhà làm quản lý. Ai cũng biết, nghịch lý đó không còn là chuyện mới, nó đã tồn tại nhiều năm nay, song lại luôn là vấn đề gây nóng dư luận bởi nó ảnh hưởng đến đời sống của hơn 70% dân số Việt Nam. Vậy nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một phương thuốc nào thực sự hữu hiệu hóa giải được nó.

Không chỉ là giải pháp ngắn hạn

Không phủ nhận, sự nỗ lực của các nhà quản lý trong việc tìm kiếm và đưa ra thêm nhiều giải pháp mới. Từ việc tìm thị trường mới, giúp nông dân cải thiện đầu ra để tránh phụ thuộc vào một thị trường cực lớn, cho đến giải pháp thu mua tạm trữ lúa gạo để giúp người nông dân thoát khỏi tình trạng bị thương lái ép giá… Tuy nhiên, mọi giải pháp vẫn chỉ dừng lại ở ngắn hạn, mang tính chất cấp bách, tạm thời. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, về lâu dài nhất thiết phải kết nối được nông dân – nhà sản xuất và doanh nghiệp – nhà phân phối, để sản phẩm nông sản trong mỗi vụ mùa thu hoạch đều yên tâm về đầu ra, để nông dân không phải tự bơi với sản phẩm của mình.

Theo khẳng định của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, sự kết nối ấy sẽ tạo nên mắt xích quan trọng loại bỏ tầng lớp trung gian ra khỏi chuỗi sản xuất nông sản. Chỉ có tạo được sự kết nối này, người nông dân mới có thể yên tâm về đầu ra, lúc đó người nông dân sẽ chủ động được về giá, không bị thương lái ép gía như hiện nay. Bên cạnh đó, vai trò của các nhà quản lý cũng rất quan trọng trong việc tìm hiểu thị trường, để lên kế hoạch đầu ra cho hàng nông sản trước mỗi vụ sản xuất. Ở đây vai trò của nhà quản lý rất quan trọng, giống như "người soi đường” khi họ nghiên cứu xem thị trường đang cần gì để định hướng cho nông dân.

"Đây chính là một kênh để giúp nông dân có thể sản xuất một cách chuyên nghiệp hơn: Trồng cây gì, nuôi con gì mà thị trường đang cần chứ không phải trồng thứ cây, nuôi loại con mà thị trường đang thừa thãi” – TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đối với ngư dân cũng vậy, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc đầu tư đóng tàu vỏ thép, hay hợp tác với Nhật Bản trong việc nâng cấp, hiện đại hóa các công nghệ khai thác đánh bắt cá ngừ đã được thực hiện trong thời gian qua… biện pháp lâu dài với ngư dân chính là việc tìm đầu ra thật ổn định cho nguồn hải sản mà họ khai thác, đánh bắt được. Bởi đó mới là cách tốt nhất giúp cho họ yên tâm bám biển.
Nghị định 67/2014/CP-NĐ của Chính phủ nhấn mạnh: Nếu đóng mới tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên) hoặc đóng mới tàu hải sản xa bờ (từ 800 CV trở lên), chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó chủ tàu chỉ trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Khi đóng mới tàu vỏ thép (từ 400 CV đến dưới 800 CV), chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị con tàu với mức phải trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm…

Tuy nhiên, biện pháp lâu dài với ngư dân chính là việc tìm đầu ra thật ổn định cho nguồn hải sản đánh bắt. Bởi đó mới là cách tốt nhất giúp cho họ yên tâm bám biển.