Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế: Hai trụ cột an sinh xã hội

Theo Lan Chi/daibieunhandan.vn

86,5% người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT); gần 14 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH)… là kết quả của ngành BHXH trong năm 2017. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vượt kế hoạch Chính phủ và QH giao. Những con số này không chỉ thể hiện nỗ lực của ngành BHXH, các bộ, ngành liên quan mà còn cho thấy sự tin tưởng, hài lòng của người dân đã tăng lên. Và trên hết, BHYT, BHXH đang khẳng định tính trụ cột trong bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gần 14 triệu người tham gia BHXH

Tại Tọa đàm trực tuyến Kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT- Những vướng mắc cần tháo gỡ do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 25/12, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH, BHYT đang có chuyển biến mạnh mẽ cả về nguồn lực huy động, cách thức chi trả tương xứng, kịp thời và số lượng người tham gia. Đến nay, đã có trên 13,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và gần 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Cùng với đó, qua vận động, mỗi năm phát triển được trên 1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Theo ông Sơn, con số này chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng đây là một sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành. Toàn ngành BHXH đã đảm bảo những quyền lợi về BHXH cho hơn 99 triệu lượt người. Trên 113 nghìn tỷ đồng đã được chi từ quỹ BHXH để đảm bảo quyền lợi từ hưu trí, ốm đau, tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp, phục hồi dưỡng sức cho người dân và người lao động.

Tính riêng trong lĩnh vực BHYT, đã có gần 81 triệu người tham gia, chiếm 86,4% và vượt 3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167. Đến ngày 25.12, toàn ngành đã bảo đảm cho trên 170 triệu lượt người đi khám BHYT, với tổng số chi dự kiến theo đề nghị của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc khoảng trên 85 nghìn tỷ đồng. Đây là những kết quả bước đầu về thu và phát triển đối tượng.

Nhấn mạnh những thành tựu nổi bật nhất của ngành BHXH là độ bao phủ của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi khẳng định, những kết quả trên đạt được nhờ chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là công dân Việt Nam có quyền được tham gia vào chính sách an sinh xã hội...

TS. Bùi Sỹ Lợi đặc biệt nhấn mạnh đến sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của truyền thông. “Khác với nhiều năm trước, năm nay chúng ta đã có sự thay đổi cách thức tuyên truyền. Tôi đánh giá rất cao hệ thống truyền thông năm 2017, các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc quyết liệt. Đây có thể coi là một trong nguyên nhân tác động giúp chính sách của chúng ta đi vào cuộc sống”, ông Lợi chia sẻ.

Mở rộng đối tượng phi chính thức

Năm 2018 và những năm tiếp theo, để thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, mở rộng và phát triển đối tượng, tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH nhất là BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn… ông Phạm Lương Sơn cho rằng, đã đến lúc cần phải đề cập một cách quyết liệt hơn đến việc điều chỉnh chính sách, tăng tính hấp dẫn, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, để họ thấy cần thiết và quyền được tham gia BHXH, BHYT.

Cùng với đó, cần phải có những đổi mới mạnh mẽ hơn trong công tác truyền thông cả về hình thức lẫn nội dung; hướng tới nhóm đối tượng “đích” để phát triển ổn định bền vững nhóm đối tượng đã tham gia và hướng tới những nhóm đối tượng phát triển mới trong lĩnh vực BHXH tự nguyện và BHYT, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài đủ sức răn đe những hành vi trục lợi chính sách và các bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay, như trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT.

Theo ông Sơn, ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm sẽ là những căn cứ để Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực hơn; hoàn thiện thêm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giúp cho công tác tổ chức của ngành BHXH tốt hơn.

BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới quy trình cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ nhằm giảm nợ đọng, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần tạo sự hấp dẫn của chính sách BHXH, BHYT.

Năm 2018, ngành BHXH sẽ bước đầu phát hành thẻ BHXH, BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, BH thất nghiệp vào một thẻ điện tử an sinh xã hội chung, đưa vào sử dụng thay thế thẻ giấy, cung cấp cho mỗi người dân một mã số an sinh duy nhất.

Tán thành những ý kiến và mục tiêu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt ra, TS. Bùi Sỹ Lợi một lần nữa khẳng định, với hơn 86,5% người tham gia thì độ bao phủ về BHYT của Việt Nam đã đi trước Nghị quyết hơn 2 năm và đây không chỉ là nỗ lực của riêng ngành BHXH mà là của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong năm tới, ngành BHXH Việt Nam khắc phục tồn tại trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhất là khu vực phi chính thức. Đồng thời, ngành BHXH tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thanh toán, quyết toán BHXH, BHYT.