Chính sách tỷ giá: Tự tin với những bước đi táo bạo

Theo thoibaonganhang.vn

Từ đầu năm đến nay, cách điều hành tỷ giá của ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn bám sát mục tiêu lớn, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bước đi khôn ngoan

Ngày 11/5, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 22.377 đồng/USD, tiếp tục tăng thêm 4 đồng so với ngày 10/5. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng gần 1%. Cũng trong ngày, Sở Giao dịch, NHNN đã nâng giá bán USD lên 23.028 đồng/USD, tăng 4 đồng/USD so với phiên liền trước.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, những động thái điều chỉnh tỷ giá theo từng bước của NHNN nhằm tránh những cú sốc về chính sách tỷ giá trong thời gian tới. Đồng quan điểm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia Võ Trí Thành đánh giá cao những bước đi chủ động, táo bạo nhưng không kém phần nhạy bén vừa qua của cơ quan điều hành, khi liên tục tăng tỷ giá trung tâm và nâng giá bán USD tại Sở Giao dịch, NHNN.

Theo quan sát của ông Thành, từ đầu năm đến nay, cách điều hành tỷ giá của NHNN vẫn bám sát mục tiêu lớn, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng, NHNN vẫn luôn “để mắt” tới nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngay khi thị trường phát đi tín hiệu có thể ra tay can thiệp tỷ giá hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã rất nhanh chóng chớp thời cơ.

Đơn cử, nhận thấy áp lực mất giá VND khi CNY ổn định hơn, “trò chơi” lãi suất của Fed chưa thật rốt ráo, hay như lạm phát ở trong nước có dấu hiệu chững lại… NHNN chủ động nâng tỷ giá trung tâm cũng như điều chỉnh tăng giá mua, bán USD tạo thêm tính cạnh tranh cho tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu gia tăng giá trị.

“Năm nay chúng ta đều biết, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% không dễ dàng. Vì thế, tỷ giá sẽ là kênh hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh về giá trị. Đó là bước đi khá mạnh dạn nhưng đã được nhà điều hành tính toán một cách thận trọng”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.

Một chuyên gia khác bổ sung: “Động thái trên cũng cho thấy NHNN đang mong muốn để VND yếu đi, qua đó cơ quan này đạt được mục tiêu kép: vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa giảm nhập siêu. Đây là giải pháp gây ít tổn thất vĩ mô nhất và là lựa chọn khôn ngoan của nhà điều hành. Vì nếu nới lỏng cung tiền hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nguy cơ lạm phát quay trở lại. Tăng cung tiền tức là vốn dư thừa hơn, lãi suất giảm rất có thể khuyến khích DN tăng cường vay vốn nhập khẩu hàng hóa. Chắc chắn gia tăng nhập siêu…”.

Nếu để ý thêm nữa, có lẽ chưa lúc nào Sở Giao dịch, NHNN lại để chênh lệch giữa giá bán và giá mua USD lại rộng như hiện nay, khi giá mua vào chỉ ở mức 22.675 đồng/USD, trong khi bán ra thì như nói trên, lên tới 23.028 đồng/USD. Cách đặt giá này thể hiện thanh khoản ngoại tệ đang khá dồi dào. Mặt khác, nó cũng chính là một thông điệp quan trọng đối với thị trường, nếu thành viên nào có ý định “gây hấn” với tỷ giá, đến lúc không xoay xở kịp thì chi phí sẽ không hề dễ chịu chút nào.

Từ những phân tích trên cho thấy, chính sách tỷ giá đang ngày càng tự tin với những bước điều chỉnh mạnh.

Sức ép tỷ giá đến từ đâu?

Cũng trong báo cáo mới nhất của mình, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo trong năm 2017, tỷ giá VND/USD vẫn sẽ phải chịu áp lực tăng khá lớn. Sức ép quan trọng nhất là đến từ phía cầu ngoại tệ khi nhập siêu gia tăng. Cũng theo cơ quan này, năm 2017, cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức tương đương 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đồng tình với đánh giá áp lực tỷ giá vẫn còn trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nhưng TS. Võ Trí Thành nhận thấy áp lực trên đang giảm. Cơ sở cho nhận định này là kinh tế Mỹ tăng trưởng thất thường, đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Ngay cả các cơ quan thực thi chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của nước này dường như cũng chưa tìm được tiếng nói chung.

Trong khi Fed muốn tăng lãi suất, đẩy đồng USD lên giá, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn như vậy. Bởi nếu đồng USD lên giá quá cao sẽ gây khó khăn cho mục tiêu thúc đẩy kinh tế tăng trưởng của vị Tổng thống này. Chính điều ấy dẫn đến sự cân nhắc hơn của Fed trong quyết định tăng lãi suất.

Chưa kể, nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào tiếp tục hỗ trợ làm giảm áp lực lên tỷ giá. Cụ thể, nguồn cung ngoại tệ được bổ sung mạnh từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài FII và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Trong đó, nguồn vốn FII tăng mạnh do xu hướng mua bán sáp nhập đang lan tỏa, còn với nguồn vốn FDI thì tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 4 tháng đầu năm là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Quay trở lại câu chuyện điều hành tỷ giá, đánh giá cao những lựa chọn khá “tinh tế” của NHNN, trong bối cảnh chịu nhiều áp lực và phải đảm bảo hài hòa mục tiêu đan xen, nhưng một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia lưu ý, bước đi của NHNN sẽ hay hơn khi được uyển chuyển có lên có xuống, thay vì chỉ tăng lên.

Điều này giúp không tạo tâm lý kỳ vọng thị trường chỉ có tăng lên, đồng nghĩa với việc đồng tiền mất giá. Tất nhiên, những điều chỉnh chính sách tỷ giá phải tính toán thận trọng trên cơ sở mục tiêu cân đối chung, đặc biệt bám sát nguyên tắc “cầm VND hấp dẫn hơn USD”. Lưu ý nữa, khi kinh tế hồi phục nhanh hơn, nhập siêu tăng lên, cơ chế tỷ giá trung tâm chỉ phát huy hiệu quả cao hơn khi lãi suất liên ngân hàng giữ ở mức hợp lý.

Dẫu vậy, với khả năng nắm bắt thông tin ngày càng nhanh, sử dụng chính sách tỷ giá uyển chuyển, hiệu lực hơn, kết hợp công cụ tiền tệ như thị trường mở, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, sản phẩm phái sinh cộng với một số biện pháp kiểm soát hành chính… theo vị chuyên gia trên, NHNN vẫn có thể khá chủ động giữ được một chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp và đạt mục tiêu lớn: kiểm soát lạm phát, nhưng phần nào vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng. Vị này cũng khẳng định trong ngắn hạn VND tiếp tục giữ vị thế.

Hiện tại có nhiều dự báo từ nay đến quý I/2018, đồng VND chỉ mất giá trên dưới 2%. Như vậy, nếu so sánh lãi suất tiền gửi VND với USD, ngay cả tính đến kịch bản lãi suất tiền gửi USD có điều chỉnh ở mức hẹp thì VND vẫn hấp dẫn hơn.