Chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng

Hoàng Anh

“Chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng” – khẳng định điều này này tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động của dịch COVID-19 để có giải pháp phù hợp”…

Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất.
Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất.

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang có những diễn biến phức tạp, tác động xấu đến đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia, trong đó Việt Nam cũng đã có những ảnh hưởng rõ rệt. Đứng trước thực trạng này, các cấp Chính quyền từ Trung ương, địa phương đến toàn thể nhân dân đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.

Tác động của COVID-19 đến hoạt động sản xuát doanh cũng đã rõ rệt. Cùng với đó các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng đã được triển khai và nghiên cứu để thực hiện.

Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các ý kiến đề cập đến nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giải pháp về thuế, phí; tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn nhân lực, lao động và các điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường cho khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, không thể coi nhẹ công tác truyền thông, giảm thiểu thông tin tiêu cực, sai sự thật, ảnh hưởng đến tâm lý, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và xử lý nghiêm các vi phạm.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch COVID-19, Việt Nam cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác.

Về kiểm soát lạm phát, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, chúng ta không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Đánh giá cao các ý kiến, giải pháp tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là nguồn tư liệu quan trọng, đầu vào để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh có khó khăn, nhất là dịch COVID-19.

“Tinh thần chung của chúng ta là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách và chỉ đạo, điều hành, lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để từ đó chắt lọc các đề xuất, kiến nghị” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân mạnh.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là đất nước an toàn, có kinh tế vĩ mô tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Đồng thời, đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước; lập phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa, chi phí logistics… để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Việc điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 và diễn biến thị trường, bảo đảm tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.

Cùng với đó, khẩn trương đề xuất hình thức đầu tư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nghiên cứu phương án báo cáo Quốc hội để điều chỉnh hình thức đầu tư từ hình thức đối tác công tư sang đầu tư công, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; ổn định, giữ vững và phát triển các quan hệ đối ngoại, chuẩn bị và tổ chức tốt các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2020; thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo niềm tin trong nhân dân vào chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng nêu rõ, chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng. Chúng ta cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài.