Chưa thể trông chờ vào sự báo cáo trung thực của doanh nghiệp nhà nước

Theo Đại biểu Nhân dân

Theo Báo cáo giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước – thực trạng và kiến nghị đổi mới, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố, hiệu quả thực sự của việc sử dụng nguồn lực đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước chưa có câu trả lời chính xác. Ngay các số liệu mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố cũng có khi chưa đầy đủ, chưa xác thực. Hệ quả này có phần nguyên nhân quan trọng từ công tác giám sát doanh nghiệp Nhà nước chưa tốt.

 Tàu chở dầu thành ụ chứa dầu
Tàu chở dầu thành ụ chứa dầu

Nhìn vào trường hợp của Tập đoàn Vinashin, năm 2009 – 2010, tập đoàn này đứng trước bờ vực phá sản, nợ phải trả đến 86 nghìn tỷ đồìng, nợ đến hạn phải trả là 14.000 tỷ đồng… Năm 2011 tình trạng tương tự diễn ra đối với Tổng công ty hàng hải Vinalines. Nhiều tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành, hiệu quả thấp, gây mất vốn Nhà nước. Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là tại sao những sai phạm của doanh nghiệp nhà nước lại không bị phát hiện sớm? Ai là người chịu trách nhiệm khi các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ lớn? Những câu hỏi này cho thấy còn lỗ hổng trong việc giám sát loại hình doanh nghiệp này. Theo các chuyên gia, hoạt động giám sát doanh nghiệp nhà nước hiện có 3 điểm yếu gồm: thiếu cơ chế thực hiện; cơ quan giám sát vừa thiếu vừa yếu về năng lực; doanh nghiệp không tuân thủ nghiêm chế độ báo cáo.

Cơ chế giám sát loại hình doanh nghiệp này đã được Chính phủ quy định trong một số Nghị định, quyết định. Nhưng nhìn chung còn thiếu so với yêu cầu của thực tế, hoặc ban hành ra trong bối cảnh sự đã rồi như việc đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước. Các tiêu chí đánh giá cũng chưa bao quát được hết các ngành, nghề lĩnh vực. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Kim Toàn cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước chưa đầy đủ, còn phân tán, không rõ về hiệu lực pháp lý. Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực từ năm 2010, nhưng phải sau hai năm Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định 99 về phân cấp chủ sở hữu trong đó có vai trò của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh.

Trong khi các quy định và tiêu chí giám sát chưa đủ, chưa thống nhất thì việc triển khai giám sát doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành và địa phương còn yếu. Có nhiều đơn vị giám sát, nhưng dường như vẫn chưa có đơn vị chịu trách nhiệm khi giám sát không chặt, để xảy ra việc doanh nghiệp lỗ thật, lãi giả hay lỗ mà lương cao. Thực tế có những doanh nghiệp lúc đòi tăng giá sản phẩm thì báo lỗ, lúc cổ phần hóa thì báo lãi, khiến cơ quan quản lý cũng không theo kịp.

Thêm nữa, trách nhiệm cơ quan giám sát chưa cao, kể cả giám sát tài chính, giám sát hiệu quả, nên các báo cáo gửi về các cơ quan giám sát không được thẩm định rõ. Vì vậy cứ khi nào Kiểm toán Nhà nước hoặc Thanh tra Chính phủ kiểm toán, kiểm tra tại doanh nghiệp nào là thấy có vấn đề ở doanh nghiệp đó. Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Mạnh Hùng cho rằng, việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại địa phương còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu không có cán bộ chuyên trách thực hiện khai thác và xử lý thông tin báo cáo nhận được. Cơ quan đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là nơi nhận các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhưng hầu như không đủ số lượng cán bộ để thực hiện xử lý, phát hiện vấn đề từ số liệu được báo cáo. Thực tế, chỉ khi doanh nghiệp nhà nước có vấn đề hoặc khi chủ sở hữu là UBND cấp tỉnh thì các cơ quan được giao là các sở chuyên ngành mới lật lại sự việc, tìm lại báo cáo chứ chưa có kiểm tra thường xuyên.

Trong khi đó thì các số liệu mà doanh nghiệp nhà nước báo cáo về các cơ quan chức năng lại mang tính chất thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc để doanh nghiệp nhà nước tự báo cáo không có nghĩa là cung cấp số liệu để phục vụ giám sát, mà chỉ là doanh nghiệp tự đánh giá mình. Theo quy định, sau hai năm doanh nghiệp phải đánh giá hoạt động của mình. Nhưng thực tế, các báo cáo gửi về Bộ Tài chính còn tản mạn, thậm chí đến cuối năm sau vẫn chưa đủ báo cáo của doanh nghiệp để tổng hợp lại. Rõ ràng, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chế độ báo cáo chưa nghiêm túc, nhưng lại không bị xử lý.

Trao đổi về nội dung này với báo chí, nguyên trưởng Ban cải cách doanh nghiệp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Trần Tiến Cường cho rằng, cần thay đổi việc giao mục tiêu cho doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ giao mục tiêu cho các tập đoàn kinh tế thì phải lượng hóa được, cụ thể bằng các tiêu chí, từ đó mới có cơ sở giám sát. Đặc biệt với các tập đoàn kinh tế cần có cái nhìn tổng thể về vai trò mà Nhà nước giao cho đến đâu, không chỉ tài chính và hiệu quả mà còn là vai trò khác nữa. Như vậy các tiêu chí đánh giá, giám sát càng rõ ràng bao nhiêu thì càng dễ giám sát doanh nghiệp bấy nhiêu.