Có bất bình đẳng trong việc cho vay tái cấp vốn không?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định, các tổ chức tín dụng có trái phiếu đặc biệt (trái phiếu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC phát hành) sẽ được vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất tái cấp vốn do NHNN quy định tại từng thời kỳ. Như vậy, những ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC vừa được lợi là tạm chuyển nợ xấu sang một bên, vừa được nhận trái phiếu đặc biệt và dùng trái phiếu này vay tái cấp vốn tại NHNN với lãi suất rẻ hơn bình thường.

Với mức lãi suất tái cấp vốn NHNN đang áp dụng là 7%/năm, thì các tổ chức tín dụng có trái phiếu đặc biệt chỉ phải vay với lãi suất 5%/năm. Nguồn: Internet
Với mức lãi suất tái cấp vốn NHNN đang áp dụng là 7%/năm, thì các tổ chức tín dụng có trái phiếu đặc biệt chỉ phải vay với lãi suất 5%/năm. Nguồn: Internet

Theo quy định này, với mức lãi suất tái cấp vốn NHNN đang áp dụng là 7%/năm, thì các tổ chức tín dụng có trái phiếu đặc biệt chỉ phải vay với lãi suất 5%/năm. Nhìn về mặt con số, có thể các ngân hàng sẽ đua nhau mang trái phiếu đặc biệt đến NHNN để vay tái cấp vốn vì lãi suất huy động trên thị trường hiện phải là 6 – 7%/năm.

Thế nhưng, điều lo ngại này cũng không dễ xảy ra. Bởi NHNN sẽ cân đối về mặt cung tiền của năm 2014 để xem nên cho các ngân hàng vay bao nhiêu. Về lý thuyết, các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt được vay tối đa 70% giá trị trái phiếu đặc biệt. Ví dụ, trái phiếu giá 1.000 tỷ đồng, thì ngân hàng được vay tối đa 700 tỷ đồng. Nhưng có thể NHNN chỉ điều tiết cho vay 60%, thậm chí 50% hay thấp hơn. Nghĩa là lượng tiền cung ứng qua kênh này cũng sẽ được kiểm soát.

Điểm nữa là nợ xấu không phải được các ngân hàng bán tất cả cho VAMC. VAMC cũng chỉ là một kênh để xử lý nợ xấu. Cho đến gần đây, VAMC mới mua được 26.000 tỷ đồng nợ xấu, một phần nhỏ trong tổng số 7 – 8 tỷ USD nợ xấu hiện nay. Bao nhiêu nợ xấu được mua đều được công khai và quản lý, nên NHNN sẽ đủ cơ sở để tính toán cho vay tái cấp vốn 50%, 60% hay 70%. Nói cách khác, có thể nguồn tiền đổ vào nền kinh tế tăng lên, nhưng NHNN sẽ đủ cơ sở để kiểm soát.

Trở lại việc lãi suất tái cấp vốn được giảm 2% nếu ngân hàng có trái phiếu đặc biệt, nếu nói rằng, điều này sẽ không làm méo mó thị trường là không đúng. Bởi cứ tồn tại hai giá thì sẽ tạo sự khác biệt giữa các đối tượng cùng tham gia thị trường. Thế nhưng, sự méo mó này, theo một chuyên gia kinh tế là không lớn.

Con số 2% mang tính kỹ thuật để đạt mục tiêu của chính sách nhiều hơn là giúp một số ngân hàng được lợi. Bởi thực tế thì việc cho ra đời VAMC là để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn, mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Cho nên, việc giảm lãi suất tái cấp vốn 2% với các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt, cũng có thể hiểu như một biện pháp khuyến khích các ngân hàng có nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, cũng đã có sự tranh luận về việc dùng trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn với lãi suất nào. Có ý kiến đề nghị vay bằng lãi suất tái cấp vốn thông thường để tạo sự bình đẳng. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị lãi suất phải giảm để khuyến khích việc bán nợ xấu cho VAMC. Quyết định cuối cùng thuộc về cơ quan ban hành chính sách. 

Cũng có người đặt câu hỏi, tại sao không phải là giảm lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt ở mức 1% hoặc 3%, mà là 2%. Câu hỏi này có lý, nhưng không khó trả lời. Nếu giảm 3% thì có thể khuyến khích nhiều hơn các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC. Nhưng khó ở chỗ, không phải khoản nợ xấu nào VAMC cũng mua. Chỉ những khoản nợ xấu đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, có tài sản bảo đảm, thì VAMC mới mua. Cho nên, nếu ưu đãi lãi suất lớn quá, sẽ khiến sự không bình đẳng giữa các ngân hàng rõ rệt hơn.

Còn nếu chỉ giảm 1%, thì mức giảm khá nhỏ, không mấy ý nghĩa, không khuyến khích các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC.

Do vậy, có thể các ngân hàng có trái phiếu đặc biệt có lợi, nhưng tạo sự bất bình đẳng lớn giữa các ngân hàng thì chưa hẳn, hoặc chí ít thì cũng phải chờ xem diễn biến thực tế thị trường ra sao.