Cơ cấu nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam

ThS. BÙI PHỤ ANH - Trường Đại học Tài chính - Kế toán

(Tài chính) Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh cơ cấu nguồn lực tài chính, nâng cao vai trò đầu tư của khu vực tư nhân cho giáo dục đại học là rất cần thiết. Đây là động lực thúc đẩy các cơ sở đại học chuyển đổi cách thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu thực tế trong quá trình phát triển.

Giáo dục đại học ngày nay là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao. Nguồn: internet
Giáo dục đại học ngày nay là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao. Nguồn: internet

Quan điểm điều chỉnh

Sản phẩm của giáo dục đại học được coi là một sản phẩm thương mại có thể mua bán trên thị trường như những hàng hóa khác. Điều này tạo ra xu thế thương mại hóa giáo dục đại học ở nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi các trường, các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo phải không ngừng thay đổi và phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện nguồn lực công hạn chế. Chẳng hạn như, hiện nay mô hình hợp tác trường đại học – doanh nghiệp – chính phủ là xu thế tất yếu khi kết nối giữa công việc đào tạo và nghiên cứu thích hợp với nhu cầu xã hội, doanh nghiệp tài trợ cho đại học thông qua hỗ trợ nguồn lực tài chính để đổi lấy nguồn nhân lực trí thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Quan điểm của nhà nước ta về điều chỉnh cơ cấu nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục đại học là phải đảm bảo được việc thu hút, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả, thúc đẩy phát triển giáo dục đại học phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) phải được cơ cấu lại theo hướng ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm trong khi tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia lĩnh vực này, giảm gánh nặng cho khu vực nhà nước.

Nguồn lực tài chính đầu tư từ NSNN cho các cơ sở giáo dục đại học công lập cần được điều chỉnh theo hướng đầu tư có trọng tâm, ưu tiên, đặc biệt cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, có nhu cầu xã hội hạn chế, khả năng xã hội hóa không cao. Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư tài chính công cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp để cải thiện chất lượng, trong khi các khoản chi thường xuyên cần được hỗ trợ từ các nguồn tài chính ngoài NSNN như học phí…

Ngoài ra, các yếu tố như cải thiện các chính sách ưu đãi về cho thuê đất, cơ sở vật chất trường lớp, chính sách ưu đãi về thuế, bảo hộ quyền, lợi ích… nhằm tận dụng nguồn lực, ưu thế về trình độ quản lý, chuyên môn, công nghệ phát triển của khu vực tư nhân hỗ trợ cho phát triển giáo dục đại học đang là xu hướng được lựa chọn ở nhiều quốc gia đang phát triển và Việt Nam cần học tập, tham khảo.

Chú trọng các giải pháp

Giáo dục đại học ngày nay là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao. Do vậy, để đảm bảo phát triển giáo dục đại học, cần đẩy mạnh đổi mới từ cơ chế, chính sách tài chính, phát huy nguồn lực xã hội đầu tư và thông qua một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đảm bảo nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo đạt tỷ lệ 20% tổng chi NSNN. Trong đó, ưu tiên đầu tư ngân sách cho lĩnh vực đào tạo ở các vùng sâu, vùng xa, thực hiện chính sách ưu đãi đối với các đối tượng chính sách, đào tạo các ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao.

Thứ hai, xây dựng hệ thống định mức phân bổ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo nên dựa trên những yêu cầu như: đảm bảo tính công bằng bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục đào tạo, dự báo về số lượng học sinh, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất giáo dục. Đồng thời, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhu cầu được cung cấp dịch vụ công cộng của người dân và khả năng thu thực tế của ngân sách, phù hợp với đặc điểm của các vùng, miền. Đổi mới hệ thống định mức phân bổ ngân sách nhằm vừa đáp ứng được yêu cầu của Luật NSNN là đảm bảo được tính công khai, minh bạch vừa giúp hệ thống tiêu chí làm căn cứ xây dựng định mức phải rõ ràng, dễ tính toán, dễ kiểm tra.

Thứ ba, nguồn tài chính đầu tư từ NSNN cho các cơ sở đại học công lập nên ưu tiên chi cho đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng cơ chế đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước đối với đào tạo đại học trên cơ sở các tiêu chuẩn định mức kinh tế gắn với chất lượng đào tạo.

Thứ tư, đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí. Ở các nước trên thế giới, chính sách học phí được xây dựng trên nguyên tắc chia sẻ chi phí, bao gồm cả tiền lương cho giáo viên, chi phí hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục đào tạo, chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học và khấu hao tài sản cố định. Nên mức đóng góp này đã tạo điều kiện khá tốt cho các trường có thể đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô trường lớp.

Ngoài ra, mức học phí phải tính đến cả mức độ phục vụ xã hội của loại ngành nghề đào tạo (ngành dự báo động đất phải có sự phân biệt rõ ràng với ngành kế toán, tài chính, ngân hàng…). Đối với hệ đào tạo công lập như dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học phí sẽ được xây dựng trên cơ sở chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học. Đối với các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ giáo viên cao, có khả năng cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ được phép thu học phí cao để bù đắp chi phí đào tạo.

Thứ năm, trong dài hạn, các cơ sở đại học, cao đẳng công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cần được trao quyền về định giá dịch vụ với tư cách là người cung ứng dịch vụ. Giữa các trường, các ngành nghề đào tạo khác nhau sẽ có mức học phí khác nhau, phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của các trường và nhu cầu học tập của xã hội.

Các cơ sở đào tạo công lập có chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được chủ động xây dựng mức học phí để có thể bù đắp chi phí đào tạo, từ đó khuyến khích các cơ sở đào tạo không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo của mình. Theo đó, các trường phải có nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp về nhu cầu học tập và mức độ đáp ứng để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho từng đối tượng và mức học phí hợp lý để có thể thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của người dân đối với đào tạo chất lượng cao.
___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009- 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

2. Nghị quyết của Quốc hội số 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010- 2011 đến năm học 2014-2015;

3. Kết luận số 37-TB/TW ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị;

4. Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 29/8/2012 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 37;

5. TS. Lê xuân Trường, 2012, “ Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học và cao đẳng công lập”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2011, Viện CL&CSTC, Bộ Tài Chính.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư 12 - 2013