Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN tạo đột phá về cải cách hành chính

PV.

Chính thức triển khai từ tháng 11/2014, tới nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính.

Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ.
Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ.

Các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối NSW và được tự động hóa ở mức độ rất cao 

Sau gần 4 năm triển khai, tới nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW). Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển quốc tế, từ ngày 15/11/2017, NSW đã được triển khai tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.

Đến ngày 15/7/2018, 1,34 triệu hồ sơ của 22,8 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua NSW. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối NSW và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả, đến ngày 15/07/2018, tổng số C/O Việt Nam gửi nhận với 04 nước nêu trên là hơn 48 nghìn C/O. Hiện nay, các nước ASEAN đang tiếp tục triển khai để trao đổi các chứng từ điện tử khác như tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch.

Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); Thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Doanh nghiệp tiết kiệm được hàng triệu USD cho thủ tục thông quan

Việc triển khai NSW, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính.

Thông qua NSW, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD.
Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).
Hướng đến thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ

Bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai NSW cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính. Nhờ đó, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước...

Bên cạnh đó, NSW cũng giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; Giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng...

Quy trình thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN

 

Khi thực hiện thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu có giấy phép trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp thực hiện theo quy trình sau:

- Bước 1: Doanh nghiệp gửi đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép dưới dạng điện tử đến cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.

- Bước 2: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển đơn xin cấp phép, hồ sơ cấp phép đến hệ thống cấp phép của các Bộ, Ngành.

- Bước 3: Các Bộ, Ngành xử lý hồ sơ xin cấp phép và chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.

- Bước 4: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia chuyển giấy phép dưới dạng điện tử về cho doanh nghiệp đồng thời gửi tới hệ thống của hải quan.

- Bước 5: Hải quan xử lý hồ sơ hải quan, đối chiếu thông tin giấy phép điện tử nhận được từ các Bộ, Ngành (nếu cần), quyết định kết quả thông quan và trả kết quả về Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia.

- Bước 6: Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia trả kết quả thông quan về cho Doanh nghiệp và gửi kết quả đến hệ thống của các Bộ, Ngành để tham khảo.