Cơ chế tài chính chống khủng bố: Những nguyên tắc cơ bản

Hải An

(Tài chính) Hiện nay các nước trên thế giới đều đã nhận ra yêu cầu cấp thiết phải phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt các mạng lưới tài trợ cho khủng bố trên khắp thế giới. Để làm được điều này, mỗi quốc gia phải xây dựng khả năng pháp lý, quản lý tài chính, tình báo tài chính, thực thi pháp luật và tố tụng cũng như xây dựng các thể chế nhằm chống nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố một cách có hiệu quả.

Hệ thống tài chính ngân hàng cần được bảo vệ, giám sát chặt chẽ trước các hoạt động rửa tiền, tài trợ cho khủng bố. Nguồn: Internet
Hệ thống tài chính ngân hàng cần được bảo vệ, giám sát chặt chẽ trước các hoạt động rửa tiền, tài trợ cho khủng bố. Nguồn: Internet

Sau đây là những nguyên tắc cơ bản về một cơ chế tài chính chống khủng bố có hiệu quả:

1. Khuôn khổ pháp lý hình sự hóa hoạt động tài trợ cho khủng bố

Những người cung cấp tiền cho khủng bố, giống như các tội phạm khác, có thể sử dụng các hệ thống tài chính quốc gia và quốc tế để che giấu các khoản tiền chúng cần để tài trợ cho các hoạt động của chúng, dù các khoản tiền này có nguồn gốc hợp pháp. Để tuân thủ Nghị quyết 1373 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và 9 Khuyến nghị Đặc biệt của Lực  lượng  đặc  nhiệm  tài  chính  về  chống  rửa  tiền  (FATF) về Tài trợ cho Khủng bố, mỗi quốc gia phải coi việc tài trợ cho khủng bố và rửa tiền là một loại tội phạm.

Những đạo luật chặt chẽ về tài chính chống khủng bố và chống nạn rửa tiền là nền tảng pháp lý cơ bản của mỗi quốc gia để chống nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Điều này cũng giúp phá tan những nỗ lực của bọn khủng bố.

FATF đã ban hành cuốn Những điểm chú giải, trong đó giải thích cách thức để một nước thực hiện Khuyến nghị đặc biệt II. Khuyến nghị này yêu cầu mỗi nước phải hình sự hoá hành vi tài trợ cho khủng bố, các hoạt động khủng bố và các tổ chức khủng bố bất kể các ngân quỹ đó có nguồn gốc bất hợp pháp hay hợp pháp. Pháp luật phải cụthể khi hình sự hoá hành vi tài trợ cho khủng bố. Việc hình sự hoá các hành vi “giúp sức và xúi giục”, “phạm tội chưa đạt” hoặc “tòng phạm” là phạm tội là chưa đủ. Khái niệm này không phải lúc nào cũng đủ rõ trong một số hệthống luật pháp. Luật cần đề cập đến bất kỳ người nào quyên góp hoặc cung cấp các quỹ với ý định là những quỹ này sẽ được sử dụng cho khủng bố; không nhất thiết phải xác định hoặc chứng minh là những quỹ đó đã thực sự được dùng cho khủng bố.

Việc hình sự hóa tất cả các khía cạnh của khủng bố và việc tài trợ cho khủng bố là nhằm làm giảm năng lực của các tổ chức khủng bố bằng cách ngăn chặn các khoản tiền của chúng xâm nhập vào hệ thống tài chính.

Ngoài ra, một đất nước cần phải có đạo luật giúp phát hiện các khoản tiền của bọn khủng bố đang nằm trong biên giới của mình sao cho các khoản tiền này có thể bị tịch thu và sung công. Pháp luật cần phải đề ra những biện pháp hữu hiệu để phong tỏa và tịch thu tài sản của những kẻ tài trợ cho khủng bố và những kẻ tiếp tay cho chúng. Mỗi quốc gia cần trao đầy đủ thẩm quyền cho các nhân viên thực thi pháp luật và các cơ quan tư pháp để bắt giữ và truy tố những kẻ tài trợ cho khủng bố.

2. Giám sát quản lý tài chính để bảo vệ hệ thống tài chính - ngân hàng

Bảo vệ khu vực tài chính trước tác hại của hoạt động tài trợ cho khủng bố và sự lạm dụng hệ thống vì mục đích tội phạm là yếu tố chủ chốt. Theo những tiêu chuẩn quốc tế, mỗi quốc gia phải quyết định cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng sẽ tuân thủ những biện pháp chống hoạt động tài trợ cho khủng bố. Các chính phủ phải đưa ra những biện pháp tuân thủ chặt chẽ về quản lý và chống rửa tiền, và thiết lập một hệ thống chính thức để các tổ chức tài chính báo cáo những hoạt động đáng ngờ cho cơ quan chức năng. Mỗi quốc gia phải quy định các chế tài, như phạt tiền, để đảm bảo tính hiệu quả của cơ chế đảm bảo tuân thủ. Ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý đầu tư, và các cơ quan giám sát khác cần phải tuyên truyền giáo dục cho khu vực tư nhân về khả năng bọn khủng bố có thể lợi dụng.

Việc các cơ quan cấp quốc gia chỉ áp đặt các yêu cầu này bằng luật pháp thì vẫn chưa đủ. Các nước còn phải tiến hành các biện pháp để bảo đảm rằng những yêu cầu đó được thực hiện trong thực tế. Giống như nhiều yếu tố khác của các tiêu chuẩn quốc tế, phạm vi quản lý và giám sát cần dựa trên mức độ rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố của tổ chức hữu quan. Khuôn khổ được các tổ chức đặt tiêu chuẩn thiết lập cần quy định các loại quản lý và giám sát dành cho:

•  Các tổ chức phải thi hành những nguyên tắc cốt lõi,

•  Các tổ chức tài chính khác, và

•  Các doanh nghiệp và ngành nghề phi tài chính chỉ định.

3. Cơ quan tình báo tài chính là cầu nối giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân

Tính hiệu quả của các hệ thống chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố của một nước phụ thuộc vào thông tin hữu ích. Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc năm 2000 (Công ước Palécmô) đã nêu rằng, “mỗi bên quốc gia phải xem xét thành lập đơn vịtình báo tài chính cấp quốc gia để thu thập, phân tích và phổ biến thông tin liên quan đến hoạt động rửa tiền tiềm năng.”

Phát triển định nghĩa này, FATF yêu cầu các nước thành lập FIU với ba chức năng căn bản là nơi thu thập hay “kho chứa” các thông tin, phân tích và chia sẻ thông tin tài chính để khám phá và chống lại hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Cụ thể hơn, FIU nên xây dựng một hệ thống có hiệu quả để các tổ chức tài chính và các cơ quan quản lý của chính phủ có thể báo cáo về những hoạt động đáng ngờ liên quan đến tài trợ cho khủng bố hay rửa tiền cho FIU. FIU cũng phải chịu trách nhiệm phân tích các báo cáo về những hoạt động đáng ngờ này và chuyển các vụ việc đó cho những cơ quan thực thi pháp luật để tiến hành điều tra. FIU cũng cần thiết lập kênh chia sẻ thông tin tình báo phù hợp với các đối tác nước ngoài nhằm trợ giúp các cuộc điều tra tội phạm tài chính.

4. Điều tra nhằm thực thi luật pháp để lần ra dấu vết của những kẻ tài trợ cho khủng bố

Các cơ quan thực thi pháp luật phải được trao đầy đủ thẩm quyền pháp lý để theo dõi tội phạm tài chính, trong đó có cả các vụ tài trợ cho khủng bố. Thẩm quyền đó có thể là quyền được tiến hành những hoạt động bí mật và giám sát điện tử để điều tra những tội phạm tài chính. Các chính phủ cần thành lập những đơn vị đặc nhiệm và những nhóm chuyên trách liên ngành để theo dõi những vụ tài trợ cho khủng bố. Các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp với ngành tư pháp trong việc điều tra và truy tố những vụ tài trợ cho khủng bố.

Trong nỗ lực sử dụng điều tra tới mức đầy đủ nhất vào cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, FATF khuyến khích các nước trao quyền, hỗ trợ và phát triển kỹ thuật và cơ chế điều tra đặc biệt, chẳng hạn như các hoạt động đặc tình, điều tra tài sản chuyên trách và điều tra có sự hợp tác với các nước khác.

Những cố gắng điều tra, như với tất cả các cơ quan có thẩm quyền được thu hút vào cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố ở một nước, nên được nhận các nguồn lực tài chính, cán bộ và kỹ thuật đầy đủ.

5. Quy trình, thủ tục tư pháp/tố tụng để đưa những kẻ tài trợ khủng bố ra trước công lý

Mỗi chính phủ phải quyết định cơ quan tư pháp nào sẽ chịu trách nhiệm truy tố những vụ tài trợ cho khủng bố. Do bản chất kỹ thuật phức tạp của các vụ tài trợ cho khủng bố nên cần phải tập hợp một đội ngũ công tố viên được đào tạo bài bản, quen xử lý các vụ tội phạm tài chính để tiến hành những cuộc điều tra này. Các quan tòa và thẩm phán cần phải làm quen với những vụ tài trợ cho khủng bố, bởi vì trước đó có lẽ họ chưa từng xử những vụ như vậy.