Cơ chế tự chủ - “chìa khóa” đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 11 kỳ 2-2015

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chính là “chìa khóa” trong công cuộc đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giúp giải quyết các vấn đề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng như trong tương lai. Vì vậy, triển khai đổi mới cơ chế hoạt động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề) là một bước đi đột phá hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ chế tự chủ - “chìa khóa” đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp

Điều 25 của Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó nêu rõ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật…; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Chính phủ.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng nêu rõ: Việc tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo là 1 trong 9 giải pháp để thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

Từ định hướng trên có thể thấy, đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là điều tất yếu mang tính quy luật tự nhiên trong một môi trường giáo dục toàn cầu hóa có cạnh tranh lành mạnh, có định hướng rõ ràng của Nhà nước và được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Theo thống kê, trên cả nước có 973 cơ sở dạy nghề công lập, trong đó 148 trường cao đẳng nghề, 178 trường trung cấp nghề và 653 trung tâm dạy nghề. Từ năm 2006 đến nay, các cơ sở dạy nghề thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 cho thấy, các đơn vị đã chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng kinh phí; các nguồn lực đã được sử dụng hiệu quả hơn, khai thác nguồn thu để tăng thu, tiết kiệm chi góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cơ sở đào tạo giáo dục dạy nghề triển khai thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP vẫn gặp phải một số khó khăn và hạn chế như sau:

Về thực hiện nhiệm vụ: Chưa có tiêu chí cụ thể về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đánh giá kết quả hoạt động theo kết quả đầu ra.

Về tổ chức bộ máy, biên chế: Về tổ chức và nhân sự, các trường đều thuộc và trực thuộc một cơ quan chủ quản, quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể các trường; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Cơ quan chủ quản còn quyết định biên chế, xếp bậc lương và trả lương.

Về tài chính:

- Việc áp dụng khung học phí chung cho tất cả các cơ sở dạy nghề công lập đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các trường tự chủ hoàn toàn và tự chủ một phần. Vì vậy, hàng năm chênh lệch thu - chi cho một suất đào tạo của các trường thường là âm nếu tính theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP; với điều kiện là quy mô tuyển sinh không đổi, đội ngũ cán bộ, viên chức ổn định; chưa tính đến các yếu tố lạm phát và thay đổi chính sách. Hệ quả là kinh phí cho đầu tư hạn chế, nhỏ lẻ, dàn trải, chưa thực sự nâng cao chất lượng đào tạo một cách thỏa đáng.

- Chưa được hạch toán đầy đủ các chi phí vào giá của sản phẩm đào tạo (chi phí trực tiếp, chi quản lý và khấu hao tài sản cố định). Học phí đưa ra thấp hơn chi phí cần thiết cung cấp dịch vụ, dẫn đến Nhà nước hỗ trợ qua giá đối với tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, không phân biệt đối tượng giàu, nghèo, có mức thu nhập khác nhau. Mặt khác, do thu thấp hơn chi phí nên các đơn vị không có điều kiện hạch toán đầy đủ chi phí và có tích lũy để tái đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

- Việc phân cấp quản lý đầu tư, quản lý tài sản còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất và sử dụng hiệu quả tài sản của trường...

Nâng cao cơ chế tự chủ tại các trường và cơ sở dạy nghề

Ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006. Theo đó, yêu cầu từng lĩnh vực phải trình Thủ tướng ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể.

Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề), các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang đứng trước một số khó khăn, bất cập khi đăng ký và thực hiện tự chủ. Nguyên nhân là do tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình không muốn học nghề; nguồn thu học phí thấp, nếu thu cao sẽ không có người vào học nghề; đội ngũ cán bộ, học sinh, sinh viên có tay nghề nhưng lại chưa có cơ chế và chính sách khuyến khích đủ mạnh để tăng nhanh nguồn thu này…

Để khuyến khích các đơn vị triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ của Chính phủ, bài viết đề xuất cần sửa đổi, bổ sung chính sách về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề) trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức và bộ máy

- Đơn vị được góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; kết hợp với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng phải đúng với quy định của pháp luật, đảm bảo tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.

- Trường hợp thành lập cơ sở hạch toán độc lập, đơn vị phải xây dựng Đề án báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt; cơ sở hạch toán độc lập phải hoạt động theo nguyên tắc tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư.

Thứ hai, hỗ trợ tài chính

- Về nguồn vốn đầu tư:

+ Đối với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện, đơn vị được huy động vốn theo phương thức trả lãi với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản theo quy định của Bộ Luật Dân sự, tại thời điểm vay.

+ Đối với dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang được ngân sách nhà nước bố trí vốn để thực hiện, đơn vị được nhà nước đầu tư theo kế hoạch.

+ Đối với dự án đã sử dụng các nguồn vốn theo quy định nhưng không đáp ứng được tiến độ của các dự án, công trình: Đơn vị được vay vốn tín dụng đầu tư của ngân hàng để bổ sung nguồn vốn đầu tư nhằm sớm đưa dự án, công trình vào sử dụng...

- Nguồn vốn chi thường xuyên:

+ Đối với các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Được xem xét, hỗ trợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện chuyển đổi với mức tối đa bằng mức kinh phí thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị năm trước liền kề năm chuyển đổi.

+ Đối với những nghề chưa hoàn thiện được định mức kinh tế kỹ thuật thì Nhà nước thực hiện hỗ trợ phần chưa kết cấu đủ vào giá theo lộ trình tính giá quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Được Nhà nước ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ theo kết quả đầu ra đối với các dịch vụ đào tạo các nghề sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ ba, hỗ trợ chính sách ưu đãi về thuế

- Miễn thuế đối với phần thu nhập không chia để lại để đầu tư phát triển đơn vị sự nghiệp công; Miễn thuế đối với lợi nhuận thu được từ sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ hoạt động đào tạo.

- Miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của các đơn vị sự nghiệp công khi liên doanh liên kết; Được giảm thuế thu nhập cá nhân...