Cơ hội sinh tồn

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Nền kinh tế ấm lên đang là niềm hy vọng của nhiều doanh nghiệp (DN) đón đợi cơ hội sinh tồn và phát triển. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dargon Capital về vấn đề này.

Phóng viên: Thời gian gần đây, nhiều tổ chức quốc tế như WB, ANZ, HSBC đã đưa ra nhận định khá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2013 và dự báo năm 2014. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Cơ hội sinh tồn - Ảnh 1
Ông Dominic Scriven - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dargon Capital
Ông Dominic Scriven: Ổn định vĩ mô đã giúp Việt Nam vượt qua những sóng gió, bất ổn vừa qua của kinh tế toàn cầu. Nhìn trên 4 mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô: Tăng GDP, giá cả, việc làm và xuất khẩu ròng, thì kết quả của nền kinh tế năm 2013 thể hiện những chỉ báo khá tích cực. Tuy nhiên, thực tế khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Theo khảo sát mới đây của nhiều tổ chức thì hầu hết các DN cho biết doanh thu, lợi nhuận và quy mô lao động giảm. Hơn 50% số  DN dự tính lợi nhuận cả năm 2013 sẽ không đổi, thậm chí suy giảm mạnh, hàng tồn kho chất đống mà chưa có những giải pháp nào có thể khả quan.

Những khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động thế nào đến khối các DN niêm yết trên sàn chứng khoán?

Các DN niêm yết trên sàn đều là những DN lớn, phản chiếu bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam. Các DN này hiện nay đang đối mặt rất nhiều khó khăn nan giải. Tính đến hết ngày 31/10, mặc dù đã quá hạn nộp báo cáo tài chính quý III nhưng vẫn còn gần 100 DN niêm yết trên hai sàn chưa nộp báo cáo.

Bức tranh đến thời điểm này cho thấy, số DN báo lỗ đã giảm và DN ghi nhận lãi ròng quý III đã tăng lên so cùng kỳ năm trước. Đứng đầu danh sách lỗ thuộc về các DN ngành xây dựng, xi măng và bất động sản.

Một tín hiệu đáng chú ý, theo tôi đó là DN đã bớt đi sự lo sợ về lạm phát cao và tín dụng khó tiếp cận. Thay vào đó, nhiều DN lớn đang chú trọng hơn tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, cũng như gia tăng hoạt động đổi mới và sáng tạo nhằm tạo ra sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu tồn tại và phát triển trong dài hạn.

Dường như, hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn trong những năm vừa qua đã mang tới những bài học đắt giá cho DN, khi họ dần nhận thức rằng đã tới lúc phải xây dựng các năng lực cạnh tranh bền vững trong dài hạn.

Theo khảo sát mới đây 3 ưu tiên chính mà DN dành cho những tháng cuối năm và đầu năm 2014 là: Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, phát triển nguồn nhân lực… 

Nhiều dự báo cho rằng  tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ được cải thiện nhờ các biện pháp tích cực của Chính phủ. Vậy theo ông DN phải làm gì để đón đầu xu hướng này?

DN cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực của mình, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với thời điểm hiện tại. Trong đó, một nguyên tắc cần ghi nhớ là xây dựng chiến lược phát triển hệ thống càng đơn giản càng tốt, tối đa hóa hoạt động để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Đầu tư tại Việt Nam thường gặp nhiều trở ngại do nhập khẩu hầu như toàn bộ nguyên liệu, các phụ liệu cho sản xuất thì phân tán mỗi nơi một loại rất tốn kém thời gian và chi phí. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, thay vì đầu tư ào ạt, nhiều DN nhỏ và vừa đã thuê lại nhà xưởng, tận dụng vốn tự có, đồng thời tính toán các chi phí cụ thể hơn.

Mặc dù chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng DN cũng đang chờ “một làn gió mới” để có thể cải thiện tình hình. Dự báo kinh tế ấm dần lên trong thời gian tới là niềm hi vọng của tất cả các DN để đón đợi cơ hội phục hồi.

Xin cảm ơn ông!